Người gieo con chữ tại vùng sông nước
Hơn ba thập kỷ qua, tại một vùng quê nghèo khó ở thôn Đập Góc, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế, thầy giáo Trần Văn Hòa (64 tuổi), một người con của mảnh đất đầm phá sông nước, đã lặng lẽ gieo chữ, truyền dạy tri thức cho nhiều thế hệ học sinh nghèo.
Với lòng nhân ái và ý chí kiên cường, vượt khó thầy Hòa đã góp phần xóa mù chữ cho rất nhiều người dân trong khu vực đầm Sam.
30 năm gieo chữ tại vùng sông nước
Trước đây, khu vực đầm Sam, thôn Đạp Góc nơi thầy Hòa sinh sống rất khó khăn, đường xá cách trở. Đa số người dân đều sinh sống trên đò, mưu sinh bằng nghề bắt tôm, kéo lưới. Cái nghèo cái khó đeo bám, nhiều gia đình không có điều kiện cho con em đến trường, mà chỉ lo việc kiếm sống qua ngày. Bản thân thầy Hòa cũng đã trải qua tuổi thơ trong hoàn cảnh đó.
Sau khi hòa bình lập lại, thầy Hòa trở về quê và chọn nuôi tôm, nuôi cá để sinh sống qua ngày. Tuy nhiên, chính việc mỗi ngày phải cõng hai con nhỏ đến trường học quá khó khăn, khiến thầy nhận thấy nhu cầu về một lớp học gần nhà, đặc biệt là cho những đứa trẻ không thể đi xa.
Năm 1990, với sự đồng ý của cha mẹ, thầy Hòa đã mượn nhà và mở lớp dạy học miễn phí cho con mình và con em hàng xóm. Ban đầu, sự nghiệp gieo chữ của thầy Hòa gặp không ít khó khăn.
Người dân vốn quen sông nước, không mấy mặn mà với chuyện học chữ. Nhưng với lòng kiên trì và tấm lòng nhân ái, thầy dần dần thuyết phục được các gia đình cho con em đi học với mục tiêu là để “đọc thông viết thạo”.
Từ đó, lớp học ngày càng đông lên, có lúc lên đến 30-40 người tham gia, không chỉ trẻ nhỏ mà những người lớn tuổi trong vùng, từ các bà mẹ đến các chị gái, cũng đến xin học xóa mù chữ.
Do mới chỉ có trình độ lớp 10, thầy Hòa mày mò tìm kiếm kiến thức để dạy. Đến năm 2006, thầy tham gia lớp học ban đêm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên TP.Huế, sau 3 năm kiên trì thầy nhận bằng tốt nghiệp THPT lúc vừa tròn 44 tuổi.
Quan tâm, thấu hiểu đến từ cộng đồng
Nhận thấy sự tận tâm của thầy và tình cảnh khó khăn của vùng sông nước đầm Sam, Hội cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) của Mỹ đã xây tặng một lớp học nhỏ 30m² phía trước nhà thầy vào năm 2000. Lớp học tuy nhỏ nhưng đã tạo điều kiện tốt hơn cho thầy Hòa tiếp tục công việc dạy học miễn phí.
Mới đây, ngày 3/11/20, nhóm thiện nguyện ATM Gạo Huế kết hợp với các nhà hảo tâm cùng đại diện lãnh đạo địa phương khai trương thư viện cộng đồng miễn phí dành cho người sử dụng tại thôn Đập Góc, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế. Thư viện xây dựng cạnh lớp học tình thương miễn phí của thầy giáo Hòa. Diện tích đất xây dựng của phòng và thư viện này được thầy Hòa tự nguyện hiến tặng.
Lớp học của thầy Hòa được chính quyền địa phương tạo điều kiện để các em theo học ở đây có thể hòa nhập vào trường học. Từ đó, không ít người đã vươn lên đỗ vào các trường cao đẳng, đại học thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Hiện nay, thầy Hòa chỉ dạy kèm, dạy phụ đạo thêm kiến thức cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có hoàn cảnh khó khăn không đi học thêm như các bạn vào ngày thứ 7, chủ nhật.
Ngoài ra còn dạy thêm một lớp xóa mù chữ cho mấy chị, mấy cô và bà con. Đặc biệt, rất nhiều người đã có thể hát karaoke, làm chủ các dòng chữ mà trước đây họ chưa từng biết đến.
Thầy Hòa chia sẻ: “bà con ở đây, giờ vào các ngày lễ góp tiền với nhau để tổ chức tiệc tùng, thuê máy karaoke hát với nhau rất vui vẻ. Mong sao ông trời cho mình có sức khỏe để mình có thể giúp thêm nhiều người chưa biết chữ hơn nữa và mong các cơ quan, chính quyền địa phương, phụ huynh tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường”.
Không chỉ truyền dạy từng con chữ, thầy còn là “cầu nối” của các nhà hảo tâm, đơn vị thiện nguyện, giúp nhiều trẻ em đầm Sam có thêm hành trang học tập để đến trường.
Với lòng nhân ái và sự tận tâm, thầy Trần Văn Hòa đã trở thành tấm gương tốt, lan tỏa hy vọng về tri thức và tương lai tươi sáng cho rất nhiều người dân nghèo vùng đầm Sam.