Luật sư nói về việc công ty của ‘Chúa đảo Tuần Châu’ đồng ý nộp 6.095 tỷ đồng
Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc đồng ý nộp lại 6.095 tỷ đồng đã nhận từ Trương Mỹ Lan, đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm hủy các hợp đồng khung do hai bên đã ký kết và yêu cầu bị cáo Lan trả lại tài sản.
Ngày 22/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của luật sư bảo vệ Công ty cổ phần T&H Hạ Long (Công ty T&H Hạ Long) và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Công ty Âu Lạc) Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh.
Luật sư cho biết, thân chủ đã đồng ý nộp lại 6.095 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan, đồng thời đề nghị toà phúc thẩm huỷ các hợp đồng khung do hai bên đã ký kết và yêu cầu bị cáo Lan trả lại tài sản.
Tại bản án sơ thẩm, Tòa tuyên Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc phải nộp hơn 6.095 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Đồng thời, để đảm bảo nghĩa vụ của Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long, HĐXX sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên hơn 18 triệu cổ phần - chiếm 70,59% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long; 3 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty T&H Hạ Long và 8 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc.
Quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Lan khai có hợp tác liên quan đến dự án Tuần Châu ở đảo Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh), và đưa tiền cho ông Tuyển "Tuần Châu" (tức ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh, thường được gọi là "Chúa đảo Tuần Châu") trong suốt nhiều năm.
Về quan hệ của bị cáo Trương Mỹ Lan và phía Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long, được xác định, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển) và 2 công ty trên nhận của Trương Mỹ Lan hơn 6.095 tỷ đồng.
Cụ thể, 3.179 tỷ đồng mà ông Đào Anh Tuấn nhận từ thỏa thuận khung ngày 20/12/2021. Trong đó 1.411 tỷ đồng tương ứng 70,59% cổ phần của T&H Hạ Long đã chuyển nhượng cho phía Trương Mỹ Lan. Còn lại 1.768 tỷ đồng các bên đang tiến hành bàn bạc để đối trừ vào các khoản bên Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.
Với khoản tiền 2.916 tỷ đồng còn lại (trong tổng số 6.095 tỷ đồng), theo bản án sơ thẩm, Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long đã nhận được từ 5 công ty (Công ty Sunny World, Công ty Vạn Phát, Công ty Hưng Phúc, Công ty Vĩnh Thịnh Phát, Công ty Hải Hà) theo 5 thỏa thuận khung hợp tác và chuyển giao tài sản, đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án (3 căn nhà liền kề, thuộc dự án khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long tương ứng với 9 sổ đất đã thế chấp đảm bảo các khoản vay của các công ty nhận chuyển giao tài sản tại SCB) với tổng giá trị 5.068 tỷ đồng.
Như vậy, để sở hữu 3 căn nhà liền kề, thuộc dự án khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long, phía bà Lan còn phải thanh toán cho Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long số tiền 2.2 tỷ đồng.
Theo hồ sơ thể hiện, thực tế bị cáo Lan đã chuyển cho Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long số tiền hơn 6.095 tỷ đồng và tiền này lại từ nguồn SCB. Vì vậy, tòa tuyên buộc thu hồi số tiền nêu trên về cho SCB để đảm bảo khắc phục vụ án.
Trình bày tại toà, luật sư đề nghị toà phúc thẩm giữ nguyên phần tuyên của bản án sơ thẩm và xin xem xét khi Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc thực hiện nghĩa vụ theo bản án, thì hủy các hợp đồng khung liên quan và trả lại các tài sản đang bị kê biên cho công ty.
Cũng theo luật sư, đối với các quan hệ thế chấp cần tách ra để Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long giải quyết với SCB và các bên liên quan trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
Tiếp đó, luật sư bảo vệ cho Công ty Phương Trang trình bày, tháng 4/2021, những cổ đông trên thỏa thuận chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Thành Hiếu cho Trương Mỹ Lan, với giá 3.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Lan chỉ mới thanh toán 1.200 tỷ đồng và thực tế Công ty Phương Trang đang quản lý những tài sản trên.
Luật sư của Công ty Phương Trang cho rằng, việc chuyển nhượng giữa bị cáo Lan và nhóm này chưa hoàn thiện nên toà sơ thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Hồng Hà và ông Nguyễn Sơn Hoa (Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) là chủ sở hữu của dự án địa chỉ 194B-202 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (dự án Grand Central), năm 2019 công ty này đã ký hợp đồng khung chuyển nhượng 80% cổ phần của dự án cho một công ty do ông Hồ Quốc Minh đại diện (đại diện thay bị cáo Lan) với giá hơn 2.200 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận dự án thì công ty nhận chuyển nhượng đã thế chấp vào ngân hàng SCB để vay tiền. Từ đó sau khi vụ án xảy ra thì cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên dự án này và nhiều tài sản của Công ty Hồng Hà và ông Hoa.
Tại toà, luật sư của Công ty Hồng Hà và ông Hoa cho biết, không hiểu vì sao giấy chứng nhận khu đất nêu trên lại được thế chấp vào ngân hàng SCB trong khi chưa được sự đồng ý của ông Hoa và Công ty Hồng Hà.
Luật sư cho biết, bản thân ông Hoa và Công ty Hồng Hà không có bất cứ quan hệ tín dụng với SCB về dự án này. Khi chuyển nhượng 80% dự án thì phía Công ty Hồng Hà chỉ uỷ quyền cho Công ty nhận chuyển nhượng dùng các giấy tờ liên quan đến dự án thế chấp tại ngân hàng do công ty của Hồ Quốc Minh chỉ định. Kèm theo điều kiện uỷ quyền là số tiền thế chấp không được vượt quá 100% số tiền đặt cọc.
Luật sư cho rằng trong trường hợp này ông Hoa xác nhận không ký các hợp đồng hay văn bản thế chấp nào. Công ty Hồng Hà và ông Hoa là người thứ ba ngay tình, không liên quan đến vụ án, nếu cần thiết thì các bên tự giải quyết bằng vụ án dân sự.