Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, xác định đó là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Thời gian qua, công tác này trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần nâng cao nhận thức, ngăn chặn và làm hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Hướng mạnh về cơ sở
Tại trường THPT Cờ Đỏ, Huyện đoàn Nghĩa Đàn phối hợp với các chi đoàn Công an, TAND, VKSND huyện và Trường THPT Cờ Đỏ tổ chức phiên tòa giả định tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy cho 1.200 học sinh toàn trường.
Bằng hình thức tổ chức sân khấu hóa thông qua đoạn kịch ngắn tái hiện tình huống về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các tệ nạn xã hội, đặc biệt là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Em Ngô Trần Nhật Anh – Học sinh lớp 11D, trường THPT Cờ Đỏ cho biết: “Thông qua hoạt động này đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy cũng như pháp luật về phòng, chống ma túy để tránh xa, không mắc phải chất cấm này”.
Qua “Phiên tòa giả định” góp phần nâng cao nhận thức cho các em học sinh về tác hại, hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng ma tuý và những quy định về tội phạm hình sự. Đồng thời giúp các em hình thành những kĩ năng cần thiết trong phòng, chống ma tuý nhằm đẩy lùi tệ nạn ma túy xâm nhập học đường.
Thời gian qua, Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan khối tư pháp, tổ chức đoàn các cấp tổ chức các buổi tuyên truyền, truyền thông về phòng chống pháo nổ, an toàn giao thông, phòng, chống ma túy… thu hút được sự tham gia hưởng ứng và hiệu ứng lan tỏa cao.
Xác định công nhân, lao động luôn cần được cập nhật kiến thức, phổ biến pháp luật, Công đoàn huyện đã phối hợp tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện phù hợp. Trong năm đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh và Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình Truyền thông pháp luật và giao lưu văn hóa, văn nghệ trong công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn.
Tại đây, cán bộ công đoàn các cấp, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn đã được truyền thông pháp luật về bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng.
Đa dạng các hình thức, cách thức tuyên truyền
Năm 20 các cấp, các ngành, địa phương đã tổ chức được 271 hội nghị phổ biến pháp luật thu hút 29.810 lượt người tham dự, các xã, thị trấn tổ chức 96 hội nghị với 16.114 lượt người tham dự.
Với các nội dung tập trung về các quy định của Luật Đất đai năm 20; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở năm 2023; Luật bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Dân chủ ở cơ sở năm 2022; Luật Căn cước năm 2023; Luật phòng chống ma túy năm 2021; Luật Tiếp cận thông tin; Luật an toàn thực phẩm; Luật khám, chữa bệnh; công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư và công tác phòng, chống tham nhũng; về dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính… Tại các hội nghị đã cấp phát hơn 13 nghìn cuốn tài liệu pháp luật cho những người tham dự lớp tuyên truyền.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền pháp luật bằng tuyên truyền trực quan như: băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu tại các tuyến đường chính, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, địa điểm công cộng để truyền thông, phổ biến rộng rãi về Ngày pháp luật Việt Nam, các luật mới, quan trọng.
Xây dựng, đăng tải các tin bài tuyên truyền, bản tin pháp luật, hỏi đáp pháp luật trên Cổng, Trang thông tin điện tử huyện và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trên các trang facebook, zalo “Thông tin Nghĩa Đàn”; “Tư pháp Nghĩa Đàn”; “Huyện đoàn Nghĩa Đàn”; “Công an huyện Nghĩa Đàn”…. Toàn huyện đã biên soạn, phát hành 26.960 tờ gấp pháp luật; 1.450 áp phích, 850 băng rôn, khẩu hiệu thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường các hoạt động giáo dục pháp luật ở trên lớp, tổ chức 39 buổi tập huấn kiến thức về an ninh mạng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông và phòng chống đuối nước cho các trường học trên địa bàn huyện.
Thành lập và duy trì hiệu quả 62 câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật trong trường học như CLB “Tuyên truyền măng non”, CLB “Tuyên truyền viên nhỏ tuổi”… Chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học đạo đức, giáo dục công dân, lồng ghép giáo dục pháp luật trong các hoạt động giáo dục phù hợp với chương trình.
Bên cạnh đó, tăng cường thông qua các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa. UBND huyện tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Đất đai, Luật Căn cước, dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính”. Cuộc thi được diễn ra trong 3 tuần từ ngày 14/10 đến 04/11/20, thu hút trên 95.450 lượt người dự thi, ban tổ chức trao 33 giải cá nhân (gồm 3 giải nhất tuần, 6 giải nhì, 9 giải 3; giải khuyến khích); và 3 giải tập thể.
Tổ chức Hội thi “Tìm hiểu pháp luật học đường bằng hình thức Rung chuông vàng” nhằm phổ biến Luật trẻ em, Luật an toàn giao thông đường bộ, phòng chống ma tuý, bạo lực học đường cho 550 em học sinh và toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Liên đoàn lao động huyện tổ chức Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu chính sách pháp luật lao động cho công chức, viên chức lao động tại 14 công đoàn cơ sở trên địa bàn xã Nghĩa An, Nghĩa Đức, Nghĩa Khánh với 180 thí sinh tham gia dự thi.
Phòng Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo bền vững” bằng hình thức sân khấu hoá. Các cuộc thi, hội thi được tổ chức tạo được hiệu ứng lan tỏa, tuyên truyền cao với nhiều đối tượng khác nhau.
TAND huyện tổ chức 05 phiên tòa xét xử lưu động với 05 vụ án hình sự tại xã tại các xã trên địa bàn huyện. Công an các xã, thị trấn tổ chức 23 Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” với hơn 3.450 lượt người dân tham gia; Tổ chức hơn 325 buổi tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, thôn, khối, xóm về công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Duy trì các mô hình phổ biến pháp luật, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn như mô hình “Dân vận khéo trong công tác hòa giải cơ sở”; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân”; “xóm không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Giáo dục ý thức chấp hành pháp pháp luật và kỹ năng sống”.
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện được thường xuyên củng cố và kiện toàn với 28 thành viên. Toàn huyện có 31 báo cáo viên pháp luật và 320 tuyên truyền pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật có năng lực, trình độ, chuyên môn cao, hiểu biết về pháp luật.
Chị Cao Thị Hằng – Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Nghĩa Đàn nhấn mạnh: Thời gian tới, Hội đồng PBGDPL đã xây dựng các giải pháp để công tác tuyên truyền PBGDPL hiệu quả hơn. Đó là chú trọng vào việc tuyên truyền pháp luật theo hướng thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật.
Tập trung vào các giải pháp mang tính trực quan như phiên tòa giả định, sân khấu hóa tập trung đông người để tạo sức lan tỏa lớn hơn. Chú trọng tuyên truyền PBGDPL theo hướng người dân có thể áp dụng pháp luật cũng như gắn với hình thức trợ giúp, tư vấn pháp lý để người dân có thể tiếp cận một cách nhanh nhất”.
Có thể khẳng định, việc triển khai tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức đa dạng phong phú đã đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống của nhân dân.
Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, công tác thu hút ngày càng khởi sắc.
Đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa huyện Nghĩa Đàn.