Đời sống

Từ vụ chó thả rông cắn cháu bé 5 tuổi tử vong: Làm sao để không xảy ra sự việc đau lòng tương tự?

Dương Dũng 25/11/20 - 13:32

Vụ việc cháu bé 5 tuổi bị chó cắn tử vong mới đây ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là bài học đau lòng, cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những người dân thiếu ý thức khi cố tình nuôi chó thả rông, thiếu kiểm soát.

Hệ lụy phức tạp

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Tường có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với chủ của hai con chó là bà P.T.S. (SN 1987; trú tại thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường) về tội "Vô ý làm chết người".

Trước đó, vào tối ngày 20/11, bé P.D.M. (5 tuổi) khi đang chơi gần nhà thì bất ngờ bị hai con chó béc giê nhà bà S. lao vào tấn công, cắn vào vùng cổ và bụng.

Dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi do mất quá nhiều máu và ngừng tuần hoàn hô hấp.

Tại Cơ quan điều tra, bà S. nói "Mong mọi người khi nuôi chó hãy quản lý chặt chẽ để không xảy ra sự việc đáng tiếc như tôi. Đây là bài học đau đớn mà tôi sẽ ân hận cả đời".

Tới đây, bà S sẽ phải chịu chế tài hình sự tương xứng với hậu quả vì việc nuôi chó thiếu ý thức và chủ quan của mình. Liệu đây có là bài học cho những chủ chó đang có sự thiếu ý thức tương tự?

Trước đây, dư luận cũng không ít lần bàng hoàng, xót xa trước cảnh trẻ nhỏ, người già bị chó tấn công gây tử vong hoặc chấn thương.

Không chỉ cắn người, tình trạng chó thả rông còn gây ra nhiều hệ lụy khác khi chúng phóng uế bừa bãi, có thể làm lây lan virus bệnh dại, hoặc gây ra nỗi khiếp sợ cho con trẻ. Điều đáng buồn là thay vì được nhìn nhận như một hành vi gây ảnh hưởng đến cộng đồng thì nhiều chủ chó lại coi đó là chuyện bình thường. Thậm chí, có chủ có còn lớn tiếng cự cãi với ai dám phản đối việc chó thả rông vì coi đây là "thú cưng" của mình.

uqfefwwefw(1).jpg
Chó thả rông gây nguy cơ mất an toàn giao thông

Trên thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh chó chạy rông trên đường phố, công viên, hoặc trong khu dân cư mà không có sự giám sát của chủ.

Tình trạng chó thả rông xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: nhiều chủ nuôi chó xem nhẹ việc quản lý thú cưng, để chó tự do chạy nhảy mà không cần kiểm soát; Một số người không chấp hành việc đăng ký, tiêm phòng, hoặc trang bị các biện pháp an toàn như rọ mõm, dây xích cho chó khi ra đường; việc xử phạt chó thả rông còn mang tính hình thức, chưa đủ sức răn đe...

uefwgw(1).jpeg
Nhiều địa phương đã tiến hành ra quân xử lý chó thả rông

“Vào buổi sáng, nhiều người thường thả chó ra đường, để chúng phóng uế bừa bãi. Có lần, xe tôi vừa ra khỏi ngõ nhà đã vô tình chèn phải những bãi chất thải do chó hàng xóm phóng uế, buộc phải quay về rửa xe, vô cùng phiền phức, mất thời gian. Thế nhưng, khi góp ý với chủ nuôi, họ lại cho rằng mình khó tính, sống gần nhau nên thôi đành im lặng cho qua”- anh N.T.V (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc chia sẻ.

Chị N.T.T.L (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Cá nhân tôi, dù là người lớn, vẫn cảm thấy lo ngại khi gặp chó thả rông. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tai nạn khi người đi xe máy bất ngờ đâm vào một con chó chạy ngang đường”.

Chung tay giải quyết vấn nạn

Chó thả rông không chỉ là vấn đề liên quan đến thói quen nuôi thú cưng mà còn phản ánh ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Giải quyết triệt để vấn nạn này đòi hỏi sự chung tay của người dân, chính quyền và các tổ chức liên quan, nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, và thân thiện hơn.

Trước hết. cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân về việc nuôi chó có trách nhiệm (rọ mõm, tiêm phòng...), đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Cùng với đó là việc áp dụng các chế tài mạnh để xử lý hành vi để chó thả rông, không sử dụng biện pháp bảo vệ như rọ mõm, dây dắt.

Về phía cộng đồng, cần có thái độ đấu tranh mạnh mẽ hơn đối với tình trạng chó thả rông (nhắc nhở, góp ý với chủ chó và nên báo cáo các trường hợp vi phạm đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời...).

Trong tương lai, cần thúc đẩy xây dựng thêm các công viên, bệnh viện cho thú cưng; đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Sự xuất hiện của nhiều địa điểm dành riêng cho vật nuôi với chi phí hợp lý sẽ góp phần giảm tình trạng mang thú cưng đến nơi công cộng không đúng cách.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn, từ việc coi đó là chuyện “bình thường” sang ý thức lên án, hành động để xây dựng một xã hội văn minh, trách nhiệm hơn.

Dương Dũng