Phòng, chống tham nhũng ở Tây Ninh: Củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Tây Ninh đã góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Tăng cường phổ biến pháp luật
Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các cấp, ngành tỉnh Tây Ninh đã triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản, hướng dẫn thực hiện các văn bản của Đảng, quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của cấp trên trong công tác PCTN.
Với phương châm "Lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài và sử dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó có biện pháp tư tưởng", Tây Ninh chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và xem đây là một trong những giải pháp căn bản để nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng đạo đức, văn hóa liêm chính, chống tha hóa, biến chất.
Thời gian qua, tỉnh đã phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN bằng nhiều hình thức đến với mọi đối tượng, như tuyên truyền miệng, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phát hành tài liệu tuyên truyền, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội (zalo, facebook, fanpage) để việc tiếp cận được đầy đủ, trực quan.
Nhờ thực hiện tốt việc phổ biến pháp luật và đồng bộ các biện pháp khác, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác PCTN vẫn tồn tại không ít thách thức.
Một trong những vấn đề nổi cộm là nhận thức, hành động của một bộ phận chưa thực sự vững vàng, chưa đủ quyết tâm trong việc đấu tranh với tham nhũng.
Mặt khác, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện cũng tạo ra một số khoảng trống cho các hành vi vi phạm.
Hướng đến một môi trường công bằng, trong sạch
Sở Tư pháp Tây Ninh đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tham nhũng. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt và triển khai có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân gắn thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về các quan điểm, quy định, nhiệm vụ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; trước hết là sự gương mẫu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tự phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, đặc biệt là đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chương trình, văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Chủ động công khai, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng.
Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, phát huy các mô hình, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân. Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào các chương trình giảng dạy trong hệ thống cơ sở giáo dục; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với thi hành pháp luật, đấu tranh, phê phán những hành vi tiêu cực, tham nhũng…
Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn để thông qua đội ngũ này đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng một cách sâu rộng trong cán bộ và nhân dân.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và toàn xã hội, Tây Ninh sẽ đẩy lùi nạn tham nhũng, hướng tới xây dựng một môi trường công bằng, trong sạch và phát triển vững chắc.