Bộ trưởng Nội vụ: Thông tin sáp nhập tỉnh là không chính xác
Triển khai đồng bộ Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ trong năm 20. Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, “chưa tính toán hay đề xuất gì về việc sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, thành phố nào”.
Chưa đề xuất sáp nhập tỉnh
Thưa Bộ trưởng, đến nay, các tỉnh, thành phố đã báo cáo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lên Bộ như thế nào? Số lượng xã, huyện thuộc diện sáp nhập có thay đổi so với tính toán ban đầu?
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ cũng như của các địa phương trong năm 20. Tính đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi Phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ chủ trì.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương. Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 có một số thay đổi so với dự kiến ban đầu.
Theo dự kiến, giai đoạn 2023 – 2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp phương án tổng thể, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50. Trong đó có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 19 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện.
Còn tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.3 đơn vị. Trong đó có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 5 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã.
Qua những con số này, có thể thấy số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do các địa phương tự đề xuất khá nhiều. Có đến 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 109 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng các địa phương đã tự đề xuất để sắp xếp lại.
Bên cạnh đó, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mặc dù thuộc diện phải sắp xếp nhưng qua rà soát, đánh giá nhiều yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử,… nên địa phương đề xuất không sắp xếp.
Tổng hợp chung lại, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp xếp, sáp nhập trong năm 20 không có biến động lớn so với dự kiến ban đầu. Trên cơ sở phương án tổng thể (sau khi được hoàn thiện), các địa phương đang tập trung xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp để trình Chính phủ và theo đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định xong trước 30/9/20.
Gần đây trên mạng xã hội có thông tin về việc chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập một số tỉnh, Bộ trưởng có thể cho biết thực hư việc này như thế nào?
Đây là vấn đề nhiều tỉnh, thành phố đang quan tâm và đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định là Bộ Nội vụ chưa tính toán hay đề xuất gì về việc sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, thành phố nào.
Thời gian qua, trên mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin nói rằng tỉnh này sáp nhập với tỉnh kia, tôi khẳng định đây là những thông tin không chính xác, không có căn cứ khiến cho nhân dân một số tỉnh băn khoăn, làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
Có một số tỉnh như Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế đang rất nỗ lực, phấn đấu để đến giai đoạn 2026 - 2030 đủ điều kiện lên thành phố trực thuộc Trung ương, đây là chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, nếu tỉnh, thành phố nào theo quy hoạch, đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét quyết định.
Phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp
Vậy còn việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?
Hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, ngành (tổng cục, cục, vụ) và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) đã tương đối hoàn thành, chỉ còn lại một số đơn vị sự nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chúng tôi tập trung sắp xếp tiếp trong năm 20.
Dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 140 đầu mối đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành; đồng thời đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có 63% đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tự chủ hoàn toàn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương cố gắng đến tháng 9/20 thực hiện xong việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, kể cả đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như các đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Có như vậy, bộ máy mới ổn định để chuẩn bị cho năm 2025 tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Bộ Nội vụ là xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức. Vậy năm 20 Bộ sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Hiện chúng tôi đang tập trung để cố gắng đến tháng 10/20 xong việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, cũng như Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương. Đặc biệt là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương để thúc đẩy thực hiện phân cấp, phân quyền, cũng như đổi mới nền hành chính từ Trung ương đến cấp địa phương.
Cùng với việc xây dựng thể chế, chúng tôi sẽ hoàn thiện các chính sách để thu hút và trọng dụng người có tài năng, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức; đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, cơ cấu, tỷ lệ phù hợp để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đấy thực hiện việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và nghiên cứu việc xét nâng ngạch công chức.
Chúng ta phải đánh giá đúng, công bằng, đồng thời tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu. Trong đó có người phấn đấu đi theo hướng chuyên gia cao cấp, một nhánh nữa nếu đủ năng lực, điều kiện sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Chúng ta phải phân luồng như thế chứ không thể để tất cả đều hướng tới mục tiêu có chức danh, chức vụ lãnh đạo, mà phải tính đến phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp. Lương của những chuyên gia cao cấp sẽ tương đương với lương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, như vậy mới khuyến khích được đội ngũ chuyên gia. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế thuê chuyên gia cao cấp, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Năm 2023, Bộ Nội vụ được đánh giá là một trong những Bộ đạt kết quả toàn diện và có nhiều dấu ấn về sự thành công. Nói như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị tổng kết ngành là Bộ Nội vụ được giao rất nhiều nhiệm vụ về thể chế, những nhiệm vụ rất khó, rất nhạy cảm, kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Bộ trưởng có thể cho biết bí quyết gì trong điều hành để có được như vậy?
Phải nói rằng, trong những năm qua, Bộ Nội vụ chúng tôi luôn quan tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sát sao, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là chúng tôi vừa tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương lớn của Đảng trên lĩnh vực ngành, vừa giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn bảo đảm yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và chiến lược lâu dài.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, chúng tôi luôn quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy công việc kịp tiến độ và đạt hiệu quả.
Chính vì vậy, công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương được duy trì thường xuyên; kịp thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất nhằm tạo sự thống nhất, thông suốt trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao. Đặc biệt là giải quyết những vấn đề có tính liên ngành bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt.
Và tất nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, toàn ngành Nội vụ không chỉ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, mà cần phải phát huy mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn. Muốn làm được điều này đòi hỏi lãnh đạo Bộ và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong Bộ phải đoàn kết, đồng lòng; còn để nội bộ mất đoàn kết là mất tất cả.
Với tinh thần như thế năm 20, toàn ngành Nội vụ quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!