Văn hóa- Thể thao

Đắk Nông: Nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Lê Hiếu 27/11/20 - 14:01

Trước nguy cơ mai một của văn hóa truyền thống, các cấp chính quyền, cộng đồng dân tộc và đặc biệt là các nghệ nhân tâm huyết vẫn đang nỗ lực lưu giữ cho con cháu đời sau những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Đắk Nông là vùng đất đa sắc màu văn hóa, nổi bật với bản sắc riêng của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê. Các bon làng nơi đây lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu như cồng chiêng, sử thi, âm nhạc, lễ hội, ẩm thực,... Nhưng những giá trị truyền thống quý báu này đang có nguy cơ bị bị mai một trước sự phát triển mạnh mẽ của lối sống hiện đại và sự du nhập của các nền văn hóa ngoại lai. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị này không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng địa phương mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội.

z6071238873004_d200b5efe02f393abec2cf6dd94b04(1).jpg
Lễ tạ ơn Thần rừng là một trong những lễ nghi quan trọng trong năm của người Mạ.

Bản sắc văn hóa dần bị mai một

Cầm trên tay chiếc m’buốt, nghệ nhân H’Grao, người dân tộc Mạ ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, không giấu nổi vẻ trăn trở khi kể về hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc đang dần bị mai một. Bà chia sẻ, âm nhạc dân gian từng là một phần không thể thiếu trong đời sống người Mạ. “Ngày trước, gần như gia đình nào cũng có người biết chơi nhạc cụ truyền thống như m’buốt, t’ron, t’rông hay chiêng”, bà H’Grao nói.

Với nghệ nhân H’Grao, tiếng m’buốt từ cha mình từng ru bà lớn lên trong giấc ngủ, nay đã trở thành ký ức hiếm hoi giữa thực trạng văn hóa dân tộc ngày càng phai nhạt. Những giai điệu thân thuộc từng gắn bó với đời sống của người dân nay chỉ còn vang lên trong ký ức của người già.

Bà H’Grao là một trong số ít nghệ nhân, còn thành thục gần 100 bài dân ca và nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Mong muốn duy trì nét văn hóa này, vợ chồng bà từng mở lớp dạy chơi nhạc cụ, nhưng đáng buồn thay, lớp học không duy trì được lâu vì thiếu người tham gia. “Chúng tôi có 9 người con, nhưng không ai tiếp nối con đường này. Tôi lo rằng không chỉ âm nhạc mà ngay cả văn hóa của dân tộc Mạ cũng sẽ dần bị mai một trong tương lai nếu không được các thế hệ sau kế thừa và phát huy,” bà nghẹn ngào chia sẻ.

Không chỉ dân tộc Mạ, nhiều cộng đồng thiểu số tại Đắk Nông như M’nông, Ê đê cũng đối mặt với những thách thức tương tự trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Nếu như trước đây, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức thường xuyên ở các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ thì giờ đây trở nên thưa thớt và dần bị mai một. Sự đô thị hóa, thay đổi môi trường sống, và xu hướng hòa nhập văn hóa khiến các không gian văn hóa nguyên bản dần biến mất. Nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ cúng thần rừng, Lễ cúng bến nước hay Lễ Tăm Blang M’prang Bon,… giờ đây chỉ còn xuất hiện trong các chương trình văn hóa được phục dựng.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc

Tại Đắk Nông, nỗ lực đánh thức và bảo tồn văn hóa dân tộc tại chỗ đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết và đầy ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa. Các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống của người M’nông, Mạ, Ê Đê, truyền dạy sử thi, cồng chiêng, cùng các làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ đang được chú trọng triển khai. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các nghệ nhân địa phương, và cộng đồng buôn làng đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc độc đáo.

z6071264413370_2c35bc2a86faaf2134c3310bf25ccdc1(1).jpg
Âm nhạc dân gian là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại bon Phai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng vẫn đều đặn hoạt động vào mỗi cuối tuần. Anh Y’Hữu, chàng trai M’nông 18 tuổi, dù là thành viên trẻ nhất, đã chơi thành thạo bộ chiêng 6 chiếc của đồng bào M'nông. Cùng với chị H’Thanh Kẽn, trưởng CLB, họ không chỉ luyện tập mà còn tìm cách truyền dạy những điệu múa xoang kết hợp với cồng chiêng cho lớp trẻ trong bon.

Chị H’Thanh Kẽn chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương, CLB cồng chiêng đã duy trì được nhiều năm nay. Chúng tôi hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần nhỏ vào việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc M’nông.”

Bên cạnh đó, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp cũng là một trong những bon gìn giữ văn hóa truyền thống của người M’nông được chính quyền các cấp ghi nhận. Không chỉ duy trì được các đội cồng chiêng, truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm,… mà những bài chiêng cổ bị thất truyền cũng được khôi phục, gìn giữ.

Chị H’Yon, Bí thư Chi bộ bon Pi Nao chia sẻ, năm 2008, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bon Pi Nao đã thành lập được một đội cồng chiêng với 10 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tham gia luyện tập vào những lúc rảnh rỗi. Định kỳ ngày cuối tháng, các thành viên cùng với các nghệ nhân trong bon lại cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ… Đến nay, đội chiêng đã quy tụ hơn 20 thành viên và hoạt động có hiệu quả.

Theo bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, ngành Văn hóa đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế và du lịch. Đáng chú ý, ngành đã hoàn thiện hồ sơ để đưa các di sản văn hóa phi vật thể như nghề dệt thủ công truyền thống của người M’nông, lễ cúng Thần rừng của người Mạ, và bộ sưu tập đàn đá Đắk Sơn vào danh mục quốc gia. Đồng thời, tỉnh đã khôi phục thành công 18 lễ hội truyền thống, tổ chức 4 ngày hội văn hóa thể thao cấp huyện và đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho nhiều nghệ nhân.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng,... “Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng xác định văn hóa các DTTS tại chỗ là bộ phận quan trọng của nền văn hóa đa dạng, thống nhất ở Đắk Nông, ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng dân cư bản địa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội”, bà Linh cho biết.

Lê Hiếu