Bế mạc Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kha XIV
Chính trị - Ngày đăng : 21:22, 16/08/2016
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Bế mạc Phiên họp thứ 2
Trước đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã thảo luận, đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Nhất.
Cần rút ngắn quy trình về công tác nhân sự
Trình bày báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ nhất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Sau 8 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nội dung trọng tâm là xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Kỳ họp đánh dấu sự tham gia tích cực, chủ động của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là sự đóng góp ý kiến tâm huyết của nhiều đại biểu Quốc hội mới; tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội; sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan liên quan; sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Việc xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ, được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Các tờ trình, báo cáo trình Quốc hội được chuẩn bị chất lượng; các thông tin liên quan đến nhân sự rõ ràng, được cung cấp kịp thời, tạo cơ sở thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Việc chuẩn bị phiếu bầu, dự thảo nghị quyết, lấy phiếu thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội được triển khai kịp thời, hợp lý; việc bỏ phiếu, kiểm phiếu được thực hiện tốt (lần đầu tiên kiểm phiếu bằng máy và đã rút ngắn được thời gian kiểm phiếu).
Quốc hội cũng đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 20 và những tháng đầu năm 2016. Báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, chặt chẽ, ngắn gọn, phản ánh đúng tình hình, kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có phân tích làm rõ những nguyên nhân; qua đó đã đề ra các giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã thẳng thắn nêu rõ những ưu điểm cũng như phân tích làm rõ hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý tài chính, ngân sách. Các báo cáo thẩm tra đã cung cấp thông tin đầy đủ và đưa ra các kiến nghị kịp thời, rõ ràng.
Là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nhưng không khí thảo luận sôi nổi, ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, thể hiện sự chủ động, chuyên nghiệp của các vị đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện cho các vị đại biểu Quốc hội mới dễ dàng tiếp cận và có thêm nhiều kinh nghiệm. Với trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước, nhiều vấn đề quốc kế dân sinh đã được các đại biểu đề cập trên nghị trường; trong đó, đề nghị quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện tốt, bảo đảm đúng chương trình kỳ họp. Các nội dung được dự thảo khoa học, rõ ràng, thông tin công khai, phù hợp với tình hình đất nước, đáp ứng nhu cầu đời sống, mong đợi của nhân dân và được dư luận xã hội quan tâm.
Với những kết quả đạt được, Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XIV tiếp tục khẳng định tư tưởng cải tiến, đổi mới không ngừng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh. Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ Nhất vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm. Đó là cần nghiên cứu cải tiến, đổi mới, rút ngắn một số khâu trong thực hiện quy trình về công tác nhân sự. Trong bố trí chương trình kỳ họp, có phiên họp sử dụng không hết thời gian, nhưng có những nội dung thiếu thời gian thảo luận...
Sẽ công khai việc nợ văn bản của các bộ, ngành
Tiếp theo trong phiên làm việc buổi chiều, UBTVQH đã nghe Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV. Theo đó, dự kiến QH sẽ làm việc trong khoảng 22 ngày rưỡi, họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2016. Dự kiến, QH sẽ dành khoảng 13 ngày cho công tác xây dựng pháp luật; 7 ngày để bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác. Tại Kỳ họp, QH cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-20 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. QH cũng sẽ nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp; UBTVQH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XIII và Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết chất vấn số 113/20/QH13 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. QH cũng sẽ dành 2 ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây sẽ là những phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ QH Khóa XIV.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số Ủy viên UBTVQH nhất trí với nội dung đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Nhất và dự kiến nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV.
Về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, theo dự kiến chương trình, QH sẽ cho ý kiến lần đầu với 14 dự án luật, trong đó có những dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau như Dự án Luật Quy hoạch, Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…, thậm chí có dự án luật vẫn chưa thấy hồ sơ đâu - ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, để bảo đảm chất lượng các dự án, dự thảo luật trình QH, chất lượng dự thảo luật và thời gian gửi dự thảo là vấn đề hết sức quan trọng. Do vậy, nếu chất lượng dự thảo cơ quan trình đưa sang không bảo đảm thì phải kiên quyết trả lại. Thực tế, theo quy định của quy trình làm luật, khi sang đến sân QH, về cơ bản thường đẩy cho cơ quan chủ trì thẩm tra muốn bơi kiểu gì thì bơi để có được dự án luật trình QH, còn cơ quan soạn thảo chỉ tham gia có mức độ. Để khắc phục tình trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga đề nghị, khi các Ủy ban có ý kiến đề nghị không chấp nhận dự thảo với lý do chất lượng không bảo đảm thì UBTVQH ủng hộ.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cần đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV. Với 14 dự án luật sẽ trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp, hiện UBTVQH mới cho ý kiến được 2 dự án luật là Dự án Luật Công an xã và Dự án Luật Cảnh vệ. Đối với 12 dự án luật còn lại, Chủ tịch QH đề nghị, các cơ quan của QH, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, sau phiên họp này của UBTVQH cần bắt tay ngay vào việc chỉ đạo rà soát, nắm tình hình chuẩn bị của các dự án luật được giao chủ trì thẩm tra. Nếu dự án đang nằm ở Chính phủ thì cơ quan được giao chủ trì thẩm tra phải đôn đốc bằng văn bản, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Chính phủ để cố gắng thực hiện, không để đến Kỳ họp thứ 2, lại phải báo cáo QH để điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2016. Chủ tịch QH cũng nêu rõ, sẽ công khai việc nợ văn bản của các bộ, ngành cũng như việc gửi văn bản chưa đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.