TAND huyện Hóc Môn về nguồn tìm hiểu lịch sử của Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Với mong muốn giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức hiểu và trân trọng những hy sinh của các thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, TAND huyện Hóc Môn, TP.HCM đã tổ chức chương trình về nguồn tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định và Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn.
Đoàn đã được ông Nguyễn Quốc Độ, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định và ông Trần Kiến Xương, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam TANDTC, người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, hướng dẫn, giới thiệu với đoàn.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một địa chỉ “đỏ” giới thiệu các hiện vật chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng đặt tại căn nhà ba tầng xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ngôi nhà từng là nơi hoạt động bí mật của biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang, cha ông Trần Kiến Xương).
Sau năm 1975, chủ nhà chia làm ba căn để bán cho những người khác. Hiện, gia đình ông Trần Văn Lai đã mua lại một phần trệt và hai tầng còn lại để xây dựng bảo tàng.
Bảo tàng bắt đầu xây dựng, sưu tập hiện vật từ cuối năm 2019, hiện là bảo tàng duy nhất về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Nơi đây lưu giữ một số bộ sưu tập, hiện vật lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong những năm qua, Bảo tàng là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của người dân, du khách khi đến với TP.HCM, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài quan tâm tới lực lượng biệt động thành Sài Gòn - Gia Định với những chiến công đã trở thành huyền thoại của lực lượng này trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân miền Nam Việt Nam.
Ngày 27/8/2023, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chính thức nhận quyết định trở thành bảo tàng ngoài công lập của TP.HCM.
Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn đặt tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Đây là một trong nhiều những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Căn nhà được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, những “cộng sự” của ông Năm Lai quản lý. Bề ngoài, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán buôn, nhưng thực chất là để nuôi giấu cán bộ, cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây ra chiến khu, qua đường các nước bạn, chuyển tiếp ra miền Bắc,…
Hơn 20 năm qua, ông Trần Kiến Xương, 1 trong 6 người con của ông Năm Lai, âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật của cha, của Biệt động Sài Gòn, phục dựng, giữ nguyên kết cấu căn nhà như ban đầu.