Tín dụng đen nở rộ cận Tết: Cần chế tài mạnh đủ sức răn đe
Những tháng cuối năm, nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc, mua sắm của người dân tăng cao, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã lợi dụng điểm này sử dụng nhiều chiêu trò để "bẫy" người dân.
Tín dụng đen biến tướng tinh vi
Tín dụng đen là cụm từ không còn quá xa lạ với chúng ta khi các phương tiện truyền thông nhiều lần đề cập, cảnh báo trong các bài viết trước. Thế nhưng vào thời điểm cuối năm và tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng tăng cao. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để hoạt động "tín dụng đen" rầm rộ trở lại.
Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng nhiều chiêu trò như "tải app về điện thoại và đồng ý vay tiền là xong", "cho vay tiêu dùng không cần thế chấp" đánh vào tâm lý người có nhu cầu.
Trên các tuyến phố, chằng chịt những tờ rơi quảng cáo vay tín dụng được dán với lời mời gọi hấp dẫn như giải ngân trong ngày; cho vay trả góp chỉ cần chứng minh nhân dân photo và hộ khẩu; cho vay trả góp hàng ngày... kèm theo số điện thoại liên hệ "chỉ cần alo là có tiền"… Chiêu dụ dỗ này đánh trúng vào tâm lý của những người có nhu cầu vay vốn.
Hiện nay còn xuất hiện một dạng cho vay lãi nặng dưới hình thức hỗ trợ tài chính gọi là cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng là một công cụ để các đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng với những người có nhu cầu vay vốn. Chỉ bằng những thao tác đơn giản, vài cú "click" hợp đồng giao kèo, người vay sẽ biến thành "con nợ" và rơi vào mê trận tính lãi suất và phí vì thiếu hiểu biết.
Hoạt động cho vay đã được các chủ nợ biến tướng thông qua hợp đồng thường được soạn thảo và ký nhận với nội dung giả tạo để che giấu mức lãi suất bất hợp pháp, tạo điều kiện cho chủ nợ dễ dàng khống chế con nợ để thu được nợ. Đây cũng là ràng buộc pháp lý để khi con nợ không trả được thì chủ nợ có thể đề nghị cơ quan pháp luật xử lý bằng hình sự với con nợ.
Cần tăng nặng hơn khung pháp lý, đủ sức răn đe
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách là lực lượng công an (chủ công) cần tiếp tục tăng cường nắm vững địa bàn, bám chắc tình hình nhằm đối phó có hiệu quả với các hình thức cho vay biến tướng với lãi suất cao, cách thức đòi nợ tinh vi.
Cùng với đó, để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, công đoàn các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, nâng cao cảnh giác và chủ động tố giác, đa dạng cách tiếp cận nguồn vốn, làm thế nào để người lao động không phải tìm đến “tín dụng đen”.
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) nhận định, một cản trở với nỗ lực xóa "tín dụng đen" là khung pháp lý và mức chế tài với hoạt động này còn yếu, chưa đủ sức răn đe. Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: "Người nào mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tùy theo mức độ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".
Theo luật sư Lực, với tình trạng cho vay trái phép biến tướng và tràn lan như hiện nay để dễ dàng tiếp cận người vay tiền, cần phải tăng nặng hơn khung pháp lý và chế tài xử phạt mới mong tội phạm tín dụng không "nhờn luật".
Song song với đó là sự cần thiết phải tăng cường truyền thông hơn nữa, đặc biệt là đến những người yếu thế trong xã hội về chính sách tín dụng hợp pháp, cũng như những thủ đoạn mới và hậu quả của các hình thức cho vay nặng lãi.