Hà Nội dự kiến cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố
Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với 16 quận, huyện khảo sát, nghiên cứu để cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố với mức giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng.
Dự kiến cho thuê vỉa hè với giá thấp nhất 20.000 đồng
Sở Xây dựng Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo lần 3 đối với đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Theo đề án, Sở Xây dựng đề nghị 16 UBND quận, huyện khảo sát, đề xuất một trong 9 mô hình cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố.
Các tuyến phố dự kiến cho thuê vỉa hè thuộc 11 quận (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên) và 5 huyện (Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng).
Theo dự thảo, việc cho thuê vỉa hè phải đảm bảo bề rộng tối thiểu khoảng 1,5m dành cho người đi bộ. Phí cho thuê hè phố được xác định theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố, với giá 20.000 - 40.000 đồng/m2/tháng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, mục đích của đề án lần này nhằm quản lý lòng đường, vỉa hè có trật tự, không đơn thuần chỉ là quản lý để kinh doanh.
"Hiện nay, nhiều vỉa hè trên các tuyến phố người dân đã lấn chiếm, kinh doanh tự do rồi, nhưng không được quản lý. Bây giờ lập đề án để quản lý bài bản, trật tự hơn. Nếu thu phí được thì càng tốt", ông Công nói.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, việc cho thuê sẽ giúp quản lý tốt vỉa hè, tránh được lộn xộn, cùng với đó là thu được ngân sách để tái đầu tư chỉnh trang đô thị.
Cho thuê vỉa hè vẫn cần không gian cho người đi bộ
Còn theo ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm, từ việc thí điểm cho thuê vỉa hè ở 4 điểm đã đem lại một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, phải đảm bảo chiều rộng của hè phố nhằm đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân; chọn vị trí phù hợp với cảnh quan, không phải vị trí nào đủ điều kiện về diện tích cũng cho thuê. Đồng thời, cần có quy chuẩn, như được phép kê bàn ghế thế nào, dựng ô che, mái che ra sao; ưu tiên cho chính những cá nhân, tổ chức có nhà ở sau vỉa hè thuê…
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật), đặc thù vỉa hè tại những đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM từ trước đến nay là nơi kinh doanh, mưu sinh của nhiều người dân. Chính vì thế, phương án cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí cần được nghiên cứu để sớm triển khai.
"Việc này vừa duy trì được trật tự, mỹ quan đô thị, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó có kinh phí để cải tạo vỉa hè sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, việc cho thuê dứt khoát không được làm ảnh hưởng không gian của người đi bộ", ông Hòa góp ý và cho rằng, bên cạnh chính sách rõ ràng, minh bạch, cần đi đôi với kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Bên cạnh những tuyến phố tổ chức thu phí, cần sớm lập lại trật tự ở những tuyến không thu phí để đảm bảo công bằng.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, đã là vỉa hè thì chỉ nên dành cho người đi bộ. Trong trường hợp vẫn cố gắng cho thuê, phải đảm bảo không gian cho người đi bộ. Cùng đó, chỉ cho thuê ở một số tuyến phố có đông khách du lịch.
"Ở các nước châu Âu, với những khu vực lõi của các thành phố cổ, sau khi buổi tối, lượng giao thông ít, thì người ta mới cho phép kinh doanh ở vỉa hè.
Cái chính là vẫn phải ưu tiên cho người đi bộ. Việc có không gian đi bộ thoải mái cũng sẽ thay đổi thói quen chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang dùng phương tiện công cộng", ông Bình nêu quan điểm.