Tin địa phương

Nông thôn mới góp phần cho xứ Thanh trở thành cực tăng trưởng mới

Thành Phan 18/12/20 - 21:11

Thời gian qua, công tác xây dựng Nông thôn mới (NTM) được triển khai sâu rộng trong nhân dân, từ miền xuôi, tới miền ngược, chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc đã góp phần thay da đổi thịt các vùng quê, xứ Thanh trở thành cực tăng trưởng mới. Người dân thực sự là trung tâm, người thụ hưởng đầu tiên.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức, đoàn thể xã hội và sự chủ động vươn lên của người dân, quá trình xây dựng NTM ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

nongnghiep.jpg
NTM làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn ở xứ Thanh

Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp. Vì vậy, phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp mọi nơi. Theo đó, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã thay đổi, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ đói nghèo, tình hình chính trị - xã hội ổn định.

Tính đến ngày 9/10/20, toàn tỉnh đã có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 369 xã và 727 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã và 525 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 531 sản phẩm OCOP được công nhận.

sanpham.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP khẳng định được chỗ đứng trên thị trường

Diện mạo nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có sự đổi mới mạnh mẽ, trong đó cái được lớn nhất là sự tin cậy của nhân dân, điều kiện, chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được nâng lên rõ rệt. Đây là bước chạy đà hoàn hảo để giải phóng sức lao động, tư duy của người dân thực sự bước vào kỷ nguyên mới.

Trong 27 huyện, thị của xứ Thanh, Thọ Xuân là huyện NTM nâng cao đầu tiên được cấp trên công nhân. Trên cơ sở tranh thủ nguồn lực từ cấp trên, tiên quyết vẫn là sự đồng thuận hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM một cách hiệu quả. Trên cơ sở bám sát vào chủ trương của cấp trên, cấp ủy ban hành chủ trương, nghị quyết để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu phù hợp với thực tiễn. Làm thực chất, người dân đóng vài trò chủ đạo, thụ hưởng.

thoxuan.jpg
Huyện Thọ Xuân là đơn vị đầu tiên về đích NTM nâng cao

Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết: Thanh Hóa là địa bàn rộng, có cả miền biển, đồng bằng và 11 huyện miền núi. Qúa trình xây dựng NTM ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi người dân đã hiểu được ý nghĩa thực sự của chương trình thì lại rất hăng hái tham gia.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách từng tiêu chí và hướng dẫn thực hiện, cùng với xây dựng kế hoạch, việc làm cụ thể.

langnghe.jpg
Sản phẩm truyền thống các làng nghề được khôi phục

Các cá nhân được phân công phụ trách thường xuyên giao ban để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để chủ trương, kế hoạch đi vào thực hiện. Trong đó, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu chính quyền, đoàn thể để vận động nhân dân tự giác thực hiện, từ đó tạo phong trào sâu rộng trong cộng đồng dân cư và toàn dân.

Cần làm tốt công tác huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời ban hành các cơ chế khuyến khích, khen thưởng đối với các đơn vị đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo luôn quán triệt quan điểm không chủ quan, nóng vội, vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, vừa gắn chặt với những đặc điểm, tình cảm của người dân tại địa phương, vận dụng tốt các quy định của cấp trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí.

ungdung.jpg
Người dân ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, buôn bán

Chủ động thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực, đa dạng các hình thức huy động nhưng tuyệt đối không gò ép người dân. Mặt khác, cần rà soát lại quy hoạch, đề án xây dựng NTM để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, trong đó chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.

Chương trình NTM đã góp phần thay đổi toàn diện, từ bên ngoài tới bên trong của nông thôn, người dân nông nghiệp. Qúa trình này đã giải phóng sức lao động, tư duy mới, khí thế mới để vượt qua mọi khó khăn thử thách cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng.

Thnh Phan