Tin địa phương

UBND xã Tiến Thịnh: Áp dụng chuyển đổi số trong công tác cải cách thủ tục hành chính

Mạnh Chuyên 03/01/2025 - 12:09

Trong bối cảnh đất nước đang ngày càng hội nhập, phát triển mạnh mẽ, UBND xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thiểu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác cải cách thủ tục hành chính lãnh đạo UBND xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội), đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn liên quan, luôn không ngừng trau dồi kiến thức, nỗ lực từng ngày để thực hiện tốt nhất văn bản chỉ đạo số 24/CV– ĐKT ngày 30/7/20 của Ban chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 của huyện Mê Linh.

UBND xã Tiến Tịnh xác định rõ trọng tâm việc chuyển đổi số trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ mang lại lợi ích trong việc tối ưu hóa quy trình, mà còn góp phần xây dựng một nền hành chính công minh bạch, hiện đại.

ubnd-xa-tien-thinh.jpg
UBND xã Tiến Thịnh

Ông Trần Anh Tân – Chủ tịch xã Tiến Thịnh cho rằng: “Chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực trong xã hội, trong đó có công tác quản lý hành chính. Trước đây, thủ tục hành chính chủ yếu được thực hiện theo phương thức truyền thống, với rất nhiều giấy tờ, hồ sơ, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Tuy nhiên, trong thời đại số, việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác hành chính sẽ giúp giảm thiểu tối đa thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho cả cán bộ công chức và người dân”.

“Một trong những mục tiêu chính của chuyển đổi số trong công tác cải cách thủ tục hành chính là nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ tạo thuận lợi mà còn thể hiện sự minh bạch và công bằng trong công tác quản lý hành chính” – ông Tân nói thêm.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã sự quyết tâm, quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp nên công tác triển khai thực hiện cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn xã Tiến Thịnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 ngày càng được nâng lên.

ubnd-xa-tien-thinh-bophan1cua.jpg
Bộ phận một cửa nỗ lực thực hiện chuyển đổi số cải cách thủ tục hành chính

Về công tác cải cách hành chính, kiểm soát TTHC được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận TTHC vào giao dịch hành chính. Qua thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức từng bước được nâng lên, thái độ phục vụ nhân dân chuyển biến rõ nét, mối quan hệ phối hợp công tác để giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân có hiệu quả.

Việc triển khai Đề án 06 đã được các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý con người, phục vụ công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn. Thực hiện công tác làm sạch dữ liệu dân cư, giải quyết đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, đăng ký xe mô tô, xe máy điện tại Công an xã. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 là 100%.

Dẫu kết quả đạt được là điều vui mừng, đáng khích lệ, tuy vậy ông Tân cho rằng, trong thực tế vẫn còn nhiều thách thức hạn chế cần phải vượt qua. Chuyển đổi số trong công tác cải cách thủ tục hành chính là xu thế tất yếu, bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ công, giảm thiểu rườm rà, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện thành công quá trình này, cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa từ cấp thành phố, huyện, để người dân có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được dễ dàng, hiệu quả hơn.

Mạnh Chuyên