Hà Nội: Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt từ 95% trở lên
UBND TP Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 401/KH-UBND về việc phòng chống dịch thành phố Hà Nội năm 2025.
TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng đề án/kế hoạch phòng chống Sốt xuất huyết, đảm bảo sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch, đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn;
100% UBND xã, phường, thị trấn kiện toàn, thành lập lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy; 100% các quận, huyện, thị xã kiện toàn, thành lập tối thiểu 2 đội đáp ứng nhanh/đội cơ động phòng chống dịch bệnh;
100% các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm qua Hệ thống báo cáo trực tuyến;
100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia; 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh hàng tuần.
TP Hà Nội cũng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt từ 95% trở lên theo quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vaccine khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán Bại liệt, loại trừ Uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh Sởi.
100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng chống dịch;
Phối hợp với các đơn vị trong ngành giáo dục để tổ chức triển khai thực hiện hoạt động rà soát tiền sử và tư vấn tiêm chủng đối với trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố;
Thường xuyên tập huấn nâng cao, cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực phòng chống dịch phù hợp theo từng nhóm đối tượng;
Rà soát, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men... cho công tác phòng chống dịch;
Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc đột xuất về công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện, thị xã để kịp thời chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.