Việt Nam SuperPortTM cùng các đối tác chiến lược hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, tăng cường kết nối khu vực và nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Ngày 7/1, tại Hà Nội, Việt Nam SuperPortTM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (thuộc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam) và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc) phát triển hạ tầng logistics đường sắt. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics và nâng cao quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Lễ ký kết có sự tham dự của ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Ngài Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam; Tiến sĩ Robert Yap, Chủ tịch Tập đoàn YCH. Sự kiện là dấu mốc quan trọng, không chỉ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành vận tải, logistics và thương mại của Việt Nam, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Cụ thể, biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam SuperPort™ và Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải nhấn mạnh việc triển khai chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả đến và đi từ Việt Nam SuperPortTM. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu chiến lược phát triển các tuyến đường sắt, nhà ga mới kết nối với Việt Nam SuperPortTM nhằm nâng cao năng lực hậu cần. Theo đó, Việt Nam SuperPortTM được định vị là trung tâm trung chuyển chủ lực dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm tại Việt Nam và xuyên biên giới.
Bên cạnh quan hệ đối tác với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Việt Nam SuperPortTM cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam. Nội dung hợp tác tập trung vào việc xây dựng nhà ga hàng hóa đường sắt tại Việt Nam SuperPortTM và một tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia Việt Nam; phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Tại đây, Việt Nam SuperPortTM sẽ cung cấp các giải pháp hậu cần tích hợp bao gồm: lên kế hoạch, xử lý hàng hóa, quản lý kho vận, phân phối, vận chuyển đa phương thức… từ đó; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt.
Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác chiến lược này trong việc hiện thực hóa tầm nhìn cảng logistics đa phương thức. Dự án với diện tích 83ha sẽ tích hợp giao thông đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt. “Phát triển ngành logistics gắn với kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường sắt sẽ góp phần nâng cao năng lực hậu cần quốc gia cũng như tăng cường khả năng hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” Tiến sĩ Yap khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, bày tỏ sự vui mừng về việc hợp tác cùng Việt Nam SuperPortTM triển khai chiến lược phát triển hạ tầng giao thông vận tải quốc gia. “Việt Nam SuperPortTM là nhà phát triển hạ tầng logistics lớn với tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, cam kết phác thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với lộ trình phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, bền vững của Bộ Giao thông vận tải. Quan hệ đối tác chiến lược này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy hiệu quả phát triển hạ tầng giao thông mà còn hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của ngành logistics, nâng cao quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực,” Bà Hiền chia sẻ.
Nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam SuperPort™ và các đối tác chiến lược là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực ngành logistics và giao thông vận tải của Việt Nam. Bằng cách tận dụng chuyên môn của các đối tác chủ chốt, dự án hướng tới góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.