Tòa án địa phương

Đổi mới và cải cách tư pháp tại TAND huyện Bình Liêu

Trang Vân 14/01/2025 - 11:34

Năm 20, TAND huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã ghi nhận những bước tiến quan trọng trong công tác xét xử, hòa giải và ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó nâng cao chất lượng công tác tư pháp, góp phần đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền lợi cho người dân tại khu vực biên giới.

f19b85a4ac61103f4970.jpg
TAND huyện Bình Liêu phối hợp tổ chức xét xử công khai vụ án “Buôn bán hàng cấm” (án điểm).

Huyện Bình Liêu nằm ở vùng núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh, có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ.

Đặc thù địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn và trình độ dân trí chưa đồng đều đã tạo ra không ít thách thức trong việc tiếp cận thông tin cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và pháp luật.

Dù vậy, TAND huyện Bình Liêu đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

TAND huyện Bình Liêu được xây dựng từ năm 1995 nhưng với diện tích hạn chế và cơ sở vật chất xuống cấp, công tác tổ chức xét xử gặp không ít khó khăn.

Các phòng chuyên dụng như phòng hòa giải, đối thoại và nghị án còn thiếu, hội trường xét xử cũng chật hẹp, gây trở ngại khi tổ chức các phiên tòa với đông bị cáo và đương sự.

Mặc dù vậy, TAND huyện đã trang bị hệ thống máy tính và kết nối Internet, đáp ứng nhu cầu báo cáo, tra cứu và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Tuy nhiên, việc thiếu các thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến vẫn là một hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Trong năm 20, dưới sự chỉ đạo của TAND tỉnh Quảng Ninh và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương, TAND huyện Bình Liêu đã hoàn thành xuất sắc công tác xét xử, giải quyết tất cả 81 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ giải quyết 100%.

So với năm 2023, số vụ việc thụ lý đã tăng 37 vụ, nhưng chất lượng công tác giải quyết vẫn được bảo đảm.

Trong lĩnh vực dân sự, số vụ việc thụ lý tăng lên và có tính chất ngày càng phức tạp, nhiều đương sự từ chối hòa giải hoặc không hợp tác.

Tuy nhiên, TAND huyện Bình Liêu đã đạt được kết quả ấn tượng trong công tác hòa giải, với tỷ lệ hòa giải thành đạt 56,52%, vượt mục tiêu ngành.

Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức thành công 4 phiên tòa rút kinh nghiệm và 1 phiên tòa trực tuyến, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử.

Để nâng cao hiệu quả công tác, TAND huyện Bình Liêu đã triển khai mô hình cải cách tư pháp “một cửa”, cải thiện công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư, đồng thời giảm thiểu tình trạng người dân phải đến nhiều lần để làm thủ tục.

Đơn vị cũng chú trọng niêm yết đầy đủ thủ tục tố tụng và cấp trích lục bản án trong ngày, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng trở nên phổ biến tại TAND huyện Bình Liêu, từ việc cập nhật dữ liệu vụ án trên phần mềm đến công khai bản án trên cổng thông tin điện tử và sử dụng phần mềm trợ lý ảo trong công việc.

Những cải tiến này không chỉ giúp minh bạch hóa công tác xét xử mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành.

Bên cạnh công tác chuyên môn, phong trào thi đua và xây dựng điển hình tiên tiến cũng được TAND huyện Bình Liêu đặc biệt chú trọng.

Đơn vị phát động các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo động lực cho cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc công việc.

Đồng thời, công tác phát hiện và bồi dưỡng điển hình tiên tiến, biểu dương kịp thời những cá nhân xuất sắc trong công tác xét xử và cải cách tư pháp cũng được quan tâm.

Với những thành tích nổi bật, TAND huyện Bình Liêu không chỉ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác và được Chánh án TANDTC tặng thưởng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen.

Cán bộ, công chức tại đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tích cực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tinh thần gần dân, hiểu dân, tôn trọng và phục vụ nhân dân luôn là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của đơn vị.

Mặc dù huyện Bình Liêu còn gặp phải nhiều khó khăn về giao thông, trình độ dân trí và cơ sở vật chất, TAND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để khắc phục những khó khăn đó.

Lãnh đạo TAND huyện Bình Liêu cũng đã kiến nghị TANDTC và TAND tỉnh Quảng Ninh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng thời phân bổ cán bộ chuyên trách cho công tác thi đua.

Trong năm 2025, TAND huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng xét xử, giảm thiểu án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.

Đồng thời, đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các phiên tòa trực tuyến và rút kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Lãnh đạo đơn vị cũng sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân.

Công tác thi đua khen thưởng sẽ được đẩy mạnh hơn, khích lệ tinh thần làm việc của toàn thể cán bộ, nhân viên.

z4733445686268-d3995545409bc3772ddb6f55f04ef61f.jpg
Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh của trường THCS và THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu).

Đồng chí Trần Quốc Nam, Chánh án TAND huyện Bình Liêu, chia sẻ: “Trong năm 2025, chúng tôi sẽ không ngừng cải tiến công tác chuyên môn và nâng cao hiệu quả công việc. Một trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi là hoàn thiện cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để phục vụ công tác xét xử trực tuyến, đồng thời đào tạo nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ. Chúng tôi cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hướng tới việc tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, minh bạch và thân thiện với người dân. Phát huy tinh thần gần dân, hiểu dân và phục vụ nhân dân vẫn luôn là phương châm hoạt động của TAND huyện Bình Liêu".

Trong năm 20, TAND huyện Bình Liêu đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Với sự nỗ lực không ngừng và quyết tâm cao độ, đơn vị tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc cải cách tư pháp, hướng tới mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử hiện đại và hiệu quả hơn trong năm 2025.

Trang Vân