Nét văn hóa cổ xưa độc đáo của lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Mỗi dịp 16 và 17 tháng Giêng, người dân xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) lại nô nức tham dự lễ hội chọi trâu – Một trong những lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa truyền thống.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu được cho là đã xuất hiện từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, gắn liền với cuộc kháng chiến của Thừa tướng Lữ Gia chống lại quân Hán. Sau mỗi trận thắng, ông tổ chức chọi trâu để khích lệ quân sĩ. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ và duy trì lễ hội như một tập tục văn hóa.
Sau nhiều thăng trầm lịch sử, lễ hội từng bị gián đoạn vào năm 1947 do chiến tranh và chỉ được khôi phục vào năm 2002. Từ đó đến nay, lễ hội thu hút hàng vạn người dân và du khách đến chiêm ngưỡng.
Việc chăm sóc và huấn luyện trâu kéo dài nhiều tháng, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kinh nghiệm của những người được làng cử nuôi dưỡng.
Mỗi “ông Cầu” không chỉ là niềm tự hào của thôn làng mà còn gửi gắm ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trâu được nuôi trong điều kiện tốt nhất, ăn cỏ voi, cháo ngô và được chăm sóc như một chiến binh thực thụ. Khi trâu và người nuôi đã “tâm đầu ý hợp”, quá trình huấn luyện mới bắt đầu, bao gồm các bài tập luyện sừng và rèn luyện thể lực.
Trâu chọi thường sở hữu bốn miếng đánh cơ bản: bổ đao (lao thẳng vào đối thủ), táng hầu, ngáng chân, và khóa sừng quật ngã. Tùy theo sở trường của từng trâu, người huấn luyện sẽ giúp phát huy thế mạnh để đạt hiệu quả cao nhất trong trận đấu.
Trước khi diễn ra lễ hội chính vào tháng Giêng, vào tháng 9 âm lịch năm trước, làng sẽ tổ chức lễ “trình trâu” để kiểm tra tiêu chuẩn trâu chọi.
Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của Lữ Gia, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng. Đến với Hải Lựu vào mùa lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những trận đấu kịch tính mà còn cảm nhận rõ nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.