Hình ảnh đặc sắc Lễ hội bên cánh đồng Huyền Du
Tại cánh đồng Huyền Du thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang hàng năm diễn ra Lễ hội độc đáo Chùa Sùng Phúc
Rằm tháng giêng là một ngày lễ quan trọng của người Việt, Dân gian tin rằng đêm Trăng tròn đầu tiên của năm mới sẽ hội tụ linh khí mạnh nhất, là thời điểm linh thiêng để sở cầu như ý, mang lại may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình trong cả năm.
Hòa trong không khí đó, người dân Hạ Lang tổ chức lễ hội chùa Sùng Phúc ( tên cũ Sùng Khánh) trang nghiêm, tôn kính và độc đáo sắc màu địa phương nơi đây
Theo sách Đại Nam nhất thống chí và Việt Nam dư địa chí, chùa Sùng Phúc thuộc tổng Lệnh Cấm, nay là xã Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Chùa được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông thế kỷ XIII, ban đầu có tên là Sùng Khánh tự, thờ Phật và thờ các nhân vật có công trấn ải vùng biên giới.
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-7-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-7-.jpg)
Năm Cảnh Hưng thứ 43, thời nhà Lê, chùa được trùng tu và đổi tên là chùa Sùng Phúc, thờ Đức Phật Quan Âm Bồ Tát, ở hậu cung có tượng Phật Bà. Gian bên trái thờ vị Thành Hoàng, người có công chiêu dân khẩn hoang lập bản làng – ông Nguyễn Thành Vương, tức Nguyễn Đình Bá (1678), tri châu Tư Lang, quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau làm Đốc đồng ở Cao Bằng.
Chùa còn thờ vị đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương. Thời vua Mạc Kính Cung, bà theo cha rời quê lên Cao Bằng sinh sống. Năm 20 tuổi, bà cải trang làm nam giới, thi đỗ Tiến sĩ ở trường quốc học Bản Thảnh, Cao Bằng. Sau khi thi đỗ, bà được mời về ly cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa.
Bà được vua nhà Mạc lấy làm vợ và đặt tên là Tinh Phi (Sao sa). Thời kỳ Lê – Mạc phân tranh, bà chạy về Hạ Lang, đi tu ở chùa Sùng Phúc. Vốn là người tài cao học rộng, nên bà mở lớp dạy học, giảng về giáo lý nhà Phật. Sau này, để tỏ lòng tưởng nhớ, nhân dân trong vùng đã đưa bài vị của bà vào chùa để thờ.
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-3-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-3-.jpg)
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-5-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-5-.jpg)
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-2-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-2-.jpg)
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-6-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-6-.jpg)
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-8-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-8-.jpg)
Chủ tế là cụ cao niên am hiểu phong tục tập quán, có uy tín ở địa phương. Bài văn tế, báo cáo với trời đất, tổ tiên và các vị thờ trong chùa về tình hình kinh tế – xã hội trong một năm vừa qua của địa phương, đồng thời cầu mong một năm mới mạnh khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi nghi lễ tế, dâng hương kết thúc cũng là lúc tiếng trống khai hội rộn rã vang lên. Đội múa rồng, đội kỳ lân trình diễn những màn múa uyển chuyển, đẹp mắt trong tiếng hò reo tán thưởng của hàng nghìn người đến vui hội.
![ha-lang.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/ha-lang.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-4-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-4-.jpg)
![sung-phuc.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/sung-phuc.jpg)
![z6312185318559_219cc118da9fd3767d3f60c2e4a5c99d.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/z6312185318559_219cc118da9fd3767d3f60c2e4a5c99d.jpg)
![z6312185280736_d9d2f49177cf275ca1b91f60b97c4c.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/z6312185280736_d9d2f49177cf275ca1b91f60b97c4c.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-13-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-13-.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-1-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-1-.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-11-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-11-.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-10-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-10-.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-8-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-8-.jpg)
![chua-sung-phuc-ha-lang-7-.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/chua-sung-phuc-ha-lang-7-.jpg)
![le-hoi-sung-phuc-cao-bang-1-(1).jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/12/le-hoi-sung-phuc-cao-bang-1-(1).jpg)
Lễ hội chùa Sùng Phúc gồm các hoạt động: dâng hương, rước kiệu Thành hoàng, Phật Bà Quan Âm và nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, như: múa rồng, kỳ lân, tung còn, kéo co, cờ người, hát giao duyên..., nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tạo không khí phấn khởi đầu năm và khí thế thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực, góp phần tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hạ Lang thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của huyện.
Huyện Hạ Lang từ lâu được biết đến là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, hội tụ nhiều di tích lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh xếp hạng như: Bia Chùa Sùng Phúc, xóm Huyền Du (thị trấn Thanh Nhật); đền thờ Tô Thị, động Dơi, xóm Đồng Tâm (Đồng Loan).
Nhiều điểm du lịch, ngắm cảnh, các điểm công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng như đại dương cổ, lục địa cổ (Minh Long), đồn Pháp (Lý Quốc), tay cuộn (An Lạc); cây nghiến di sản, đồi hoa dã quỳ, đường hoa trạng nguyên, đồi Phả Khả, đồi cỏ cháy, thành nhà Mạc, làng đá cổ, Ngườm Khu, thác Hoa Thoong Lài, hang Khò Mạ, Ngườm Riềm… Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, các làn điệu lượn Then, Phong slư, Nài Sli, Hà Lều có tính giáo dục cao, kết nối cộng đồng bền vững.