Văn hóa - Du lịch

Đặc sắc Lễ hội Đình Lục Nà huyện Bình Liêu

Hoàng Hà 13/02/2025 - 18:02

Lễ hội Đình Lục Nà được tổ chức thường niên nhằm bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Bình Liêu, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Ngày 13/2 (tức ngày 16 tháng Giêng Âm lịch), tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra khai hội Đình Lục Nà.

Lễ hội Đình Lục Nà năm 2025 diễn ra từ ngày 11- 14/2 (tức 14-17 tháng Giêng), được tổ chức theo nghi thức lễ hội truyền thống gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ gồm các nghi lễ rước sắc phong, lễ tế thần, lễ giã đình truyền thống.

Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc diễn ra tại sân Đình Lục Nà như: Liên hoan hát Then – Đàn tính huyện Bình Liêu; Giao lưu hát Then - đàn Tính giữa huyện Bình Liêu và Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng; giải võ thuật cổ truyền huyện Bình Liêu mở rộng; Chọi chim họa mi, chào mào hót đấu.

lehoi1.jpg
Lễ tế thần trong ngày khai hội.

Cùng với đó, các hoạt động thi đấu thể thao dân tộc (đẩy gậy, tung còn, kéo co, bắn nỏ) và trò chơi dân gian (nhảy bao bố, sáy mả, đi cà kheo…); giải Bóng đá Cúp Đình Lục Nà từ ngày 8-14/2 tại sân vận động xã Lục Hồn.

Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội sẽ có các gian hàng bày bán các sản phẩm OCOP Bình Liêu và các địa phương của tỉnh.

Đình Lục Nà thuộc thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn được xây dựng từ thời kỳ Hậu Lê. Trước đây, đình Lục Nà là đình hàng tổng có quy mô lớn nhất trong vùng, gồm 5 gian, cột gỗ tròn có đường kính 40 - 50cm, tường xây gạch địa phương, mái lợp bằng ngói âm dương.

hoi.jpg
Lễ rước bài vị Thành hoàng vi hành quanh đình.

Năm 2011, từ nguồn ngân sách của tỉnh, đình Lục Nà đã được đầu tư 8,5 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo trên diện tích 10.187m2.

Đình Lục Nà là nơi thờ thần hoàng làng Hoàng Cần, là một tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi.

Sự tích kể rằng, ngày xưa khi người Tày ở vùng Đông Bắc Tân Yên (Bình Liêu ngày nay) đang sinh sống yên ổn thì giặc từ phương Bắc kéo đến xâm lược, gây nên bao cảnh tang tóc đau thương.

Nhân dân trong vùng sống nơm nớp lo sợ, căm thù oán hận chồng chất. Ở một làng nọ có người con trai người Tày tên là Hoàng Cần, thông minh tuấn tú, sức vóc cường tráng, không cam tâm chịu nhục dưới ách cai trị tàn bạo nên đã bí mật hội tụ trai làng, ngày đêm luyện tập võ nghệ.

Chờ thời cơ thuận lợi tới, Hoàng Cần dấy binh đánh vào căn cứ giặc. Với chiếc gậy tre trong tay “tả xung hữu đột”, ông đã làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn. Dẹp giặc xong, Hoàng Cần trở về quê cũ.

Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, nhân dân huyện Bình Liêu lập đền, dựng đình và tôn ông làm thần hoàng làng, hằng năm mở hội tế lễ linh đình dịp đầu xuân. Đình cũng là nơi thờ các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa.

Đình Lục Nà còn ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng huyện Bình Liêu. Ngày 20/11/1945, tại đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do mặt trận Việt Minh tổ chức, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của huyện.

Ngày 18/1/1946, Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu được thành lập; ngày 21/11/1946, Lực lượng Vệ quốc đoàn của huyện cũng được thành lập tại đây.

Nhằm bảo tồn, phát huy lễ hội văn hóa truyền thống, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương, đầu năm 2006, UBND huyện Bình Liêu đã phục dựng lễ hội đình Lục Nà.

Lễ hội Đình Lục Nà được tổ chức thường niên nhằm bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Bình Liêu.

Đây cũng là dịp để huyện tiếp tục quảng bá, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp về vùng đất, văn hóa của địa phương với du khách bốn phương, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội của huyện nói chung.

Hong H