Trương Mỹ Lan "sẽ khắc phục hậu quả gây ra cho trái chủ"
Theo tính toán của bị cáo Lan thì 100% hậu quả của vụ án gây ra cho hơn 35.000 trái chủ sẽ được khắc phục hoàn toàn đối với 308.691.388 trái phiếu nhằm huy động hơn 30.000 tỷ đồng tiền trái phiếu.
Ngày 27/3, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi.
.jpeg)
Tại phần xét hỏi của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày về bối cảnh, tình trạng khó khăn của ngân hàng SCB khiến mình phải dấn thân vào để tái cơ cấu, vay mượn tài sản của bạn bè để tái cấu trúc lại các khoản nợ và nói về các gói trái phiếu.
Theo bị cáo Lan, chủ trương phát hành trái phiếu không phải từ bản thân đề xuất mà từ chính các lãnh đạo ngân hàng SCB. Bị cáo Lan tiếp tục nhắc lại về việc đề nghị ngân hàng SCB cung cấp số liệu để làm rõ số tiền dư nợ của SCB trước khi hợp nhất, các khoản nợ đến khi khởi tố vụ án nhằm chứng minh về các số liệu phải chịu trách nhiệm.
Về khoản tiền trái phiếu hơn 30.000 tỷ đồng, bị cáo Lan khẳng định bản thân và tập đoàn VTP không phát hành trái phiếu, tiền phát hành cũng sử dụng tiền mà tiền thu về do ngân hàng SCB sử dụng cho các khoản tài chính của ngân hàng, là lý do kháng cáo ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ở tội “Rửa tiền”, bị cáo Lan cũng đề nghị xem lại số liệu quy buộc tội trách nhiệm vì ngay từ giai đoạn 1 số liệu quy buộc trong tội “Tham ô tài sản” đã chưa được xác thực. Về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bị cáo Lan cũng xin cấp phúc thẩm xem xét lại vì cho rằng không đủ căn cứ pháp lý quy buộc.
Theo tính toán của bị cáo Lan thì 100% hậu quả của vụ án gây ra cho các trái chủ sẽ được khắc phục hoàn toàn đối với hơn 30.000 tỷ đồng tiền trái phiếu.

Bị cáo Lan mong HĐXX trừ 1.600 tỷ đồng thuộc 6 trái chủ có tài sản bảo đảm và thư bảo lãnh. Hơn 28.000 tỷ đồng còn lại thì cơ quan THADS đang quản lý là hơn 8.600 tỷ đồng và dự kiến thu hồi sớm theo các bản án ở cả hai giai đoạn là khoảng 8.100 tỷ đồng.
Còn lại 12.800 tỷ đồng với các tài sản khi thi hành bản án ở cả hai giai đoạn thì dư khả năng để trả cho các trái chủ.
Bị cáo Trương Mỹ Lan còn đề nghị được miễn đóng án phí số tiền 30,2 tỷ đồng án phí sơ thẩm.
Trong phiên toà buổi sáng cùng ngày, các bị cáo Trịnh Quang Công (cựu Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn quản lý Acumen); Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Ngô Thanh Nhã, Bùi Đức Khoa, Trần Thụy Thúy Ái, Phạm Thị Thúy Hằng đều tỏ ra ăn năn hối cải.
Các bị cáo cho biết khi phát hành trái phiếu không biết việc làm của mình là sai, không biết các lô trái phiếu phát hành không đủ điều kiện. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết có rất nhiều bị hại, bản thân rất ân hận.

Các bị cáo này cũng trình bày thêm tình tiết mới là chủ động tác động với gia đình để nộp thêm tiền khắc phục hậu quả (nộp thêm từ 30 triệu đồng - 500 triệu đồng).
Đối với bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của bị cáo Lan, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Rửa tiền”), trước phiên xử có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng tại phiên tòa đã xin rút kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và giữ nguyên kháng cáo phần xử lý vật chứng trong vụ án.
Bị cáo Dũng được xác định đã giúp sức Trương Mỹ Lan che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng 6.300 tỷ đồng.
Tại tòa cấp phúc thẩm, sau khi rút một phần kháng cáo, bị cáo này xin gỡ lệnh phong tỏa tài khoản với số tiền 13 tỷ đồng vì cho rằng đây là số tiền của bản thân, gia đình, không liên quan đến Trương Mỹ Lan.