Cận cảnh cầu Đa Phúc: Biểu tượng kết nối Thái Nguyên - Hà Nội sắp về đích
Nguyễn Liên - Huy Dũng•07/04/2025 - 06:31
Sau hơn 2 năm thi công, cầu Đa Phúc – cây cầu vượt sông Công nối liền Thái Nguyên với Hà Nội – đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thiện. Công trình không chỉ có ý nghĩa chiến lược về giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giao thương giữa hai địa phương.
Cầu Đa Phúc mới bắc qua sông Công, kết nối TP. Phổ Yên (Thái Nguyên) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội), được khởi công tháng 8/2022.Công trình thuộc Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng. Mục tiêu khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải áp lực trên cầu cũ.Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công lý, sau hơn 2 năm thi công, đến nay công trình và đường dẫn phía tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thiện. Nhà đầu tư hiện đang thi công các hạng mục cuối cùng của cây cầu.Mặt cầu hiện thi công, rải thảm nhựa. Đơn vị đang tiến hành hoàn thiện đường dẫn lên cầu phía đầu Hà Nội.Dầm chính, lan can... cũng đã cơ bản được thi công xong.Hộ lan can được lắp đặt đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện khi lưu thông. Các công nhân đang tiến hành thi công, vệ sinh trên mặt cây cầu vượt sông Công kết nối Thái Nguyên - Hà Nội.Anh Trần Văn Cường, tài xế tuyến Thái Nguyên – Hà Nội, cho biết, hiện nay, tại cầu Đa Phúc (cũ) lưu lượng phương tiện lớn qua lại đông đúc, mặt cầu nhỏ, hẹp nên dễ xảy ra ách tắc, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông."Bởi thế mà khi biết tin cầu Đa Phúc mới triển khai và hiện dần hoàn thiện tôi rất vui. Cây cầu rộng hơn, đường dẫn cũng thoáng hơn. Ai cũng mong sớm được lưu thông trên cây cầu mới, giúp việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn", anh Cường chia sẻ.Thông tin từ UBND phường Thuận Thành (TP. Phổ Yên), hiện nay mặt bằng dự án phía tỉnh Thái Nguyên đã giải phóng xong và các hạng mục công trình cơ bản hoàn thiện, người dân địa phương rất mong chờ dự án sớm đưa vào khai thác, góp phần giảm áp lực giao thông trên cầu cũ, đảm bảo an toàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc là hơn 1.145 tỉ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là gần 353 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành cải tạo theo hình thức xây mới 6 cây cầu, gồm: cầu Bến Mới (QL38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (QL2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (QL1C, Nha Trang), cầu Đa Phúc (QL3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (QL40B, Quảng Nam).