Quảng Ninh đề xuất sáp nhập 171 xã, hình thành đặc khu hành chính mới
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa cho ý kiến về phương án sáp nhập 171 đơn vị hành chính cấp xã thành 51 đơn vị, trong đó đề xuất thành lập 3 đặc khu hành chính.

Ngày 14/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị lần thứ 68 để cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị do ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì.
Đây được xem là bước đi quan trọng trong quá trình tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới.
Bám sát tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp 171 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành 51 đơn vị.
Theo đó, 145 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sáp nhập thành 48 đơn vị, giảm 97 đơn vị (tương đương 66,9%); 26 đơn vị còn lại sẽ được tổ chức thành 3 đặc khu.
Sau sắp xếp, toàn tỉnh dự kiến còn 27 phường, 21 xã và 3 đặc khu.
Trường hợp chỉ có 2 đặc khu được phê duyệt, Quảng Ninh sẽ còn 54 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thể hiện sự đồng thuận cao với phương án sắp xếp này, đồng thời trao đổi cụ thể về các nội dung liên quan như tên gọi mới cho các đơn vị sau sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, lộ trình tổ chức lại bộ máy, công tác tuyên truyền và lấy ý kiến nhân dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là yêu cầu thực hiện chủ trương lớn của Trung ương mà còn là cơ hội để Quảng Ninh tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức ở cơ sở, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông đề nghị các Đảng bộ cấp huyện tiếp tục thảo luận, thống nhất về phương án đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập, ưu tiên giữ lại các tên gọi mang giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống hoặc tên địa danh có thương hiệu gắn liền với du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các địa phương có thể cân nhắc sử dụng tên đơn vị hành chính cấp huyện cho xã/phường trung tâm để tạo tính nhận diện và thuận lợi trong điều hành.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc lấy ý kiến của nhân dân về phương án sắp xếp và tên gọi các đơn vị hành chính mới, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Song song với đó, các địa phương phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp xã ngay sau thời điểm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Với quy mô sắp xếp lớn, phương án này được kỳ vọng sẽ tạo ra những đơn vị hành chính tinh gọn, có quy mô phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tiết kiệm chi ngân sách và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ, kinh tế - xã hội.
Đồng thời, việc hình thành các đặc khu cấp xã cũng mở ra cơ hội thử nghiệm mô hình quản lý mới, linh hoạt, thích ứng với yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Quảng Ninh đang thể hiện quyết tâm cao trong việc hiện thực hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính một cách bài bản, khoa học, đặt lợi ích lâu dài của người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh lên hàng đầu.