Hà Nội: Công nhận điểm du lịch Thụy Lâm, huyện Đông Anh
Ngày 14/4, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 2014/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Thụy Lâm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.
Theo quyết định, giao UBND xã Thụy Lâm có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Các Sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài chính, Công an Thành phố, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Thụy Lâm có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Thụy Lâm theo đúng quy định pháp luật và Thành phố, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.

Xã Thuỵ Lâm nổi tiếng với di tích đền Sái, múa rối nước Đào Thục và nhiều sản vật nông nghiệp, tiêu biểu là nếp cái hoa vàng.
Đền Sái được coi như một ụ lũy phía Bắc, phòng vệ cho kinh thành Cổ Loa. Đền Sái gắn liền với nhiều truyền thuyết, tiêu biểu là truyền thuyết về đức Huyền Thiên cử rùa Vàng đến giúp An Dương Vương diệt trừ yêu ma, xây dựng thành công thành lũy Cổ Loa còn đến ngày nay.
Đền Sái còn là nơi ghi đậm dấu tích những trận chiến ác liệt và chiến công oai hùng của danh tướng Lý Thường Kiệt, vị tướng tài danh đã chỉ huy quân dân nước ta đánh tan quân xâm lược Tống.

Lễ hội đền Sái nhằm tưởng nhớ công lao của đức Huyền Thiên Trấn Vũ và hoàng đế An Dương Vương với nhiều lễ tục, nghi thức độc đáo, nổi bật là tục lệ “Rước Vua giả”. Lễ hội đã được tồn tại và lưu giữ hàng ngàn năm qua. Lễ hội đền Sái đã được ghi danh vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia Di tích lịch sử đền Sái được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1986…
Thụy Lâm còn nổi tiếng với múa rối nước làng Đào Thục đã có hơn 300 năm nay. Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
* Ngày 12/4, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về việc tổ chức Hội thảo về “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa”.
Theo kế hoạch, hội thảo gồm hai nội dung chính gồm: Một số vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn thành phố và tham gia ý kiến về nội dung của 2 Nghị quyết trình HĐND TP. Hà Nội là Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa về công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.
Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Văn phòng UBND Thành phố tổ chức thực hiện với quy mô khách vào ngày 18/4/2025.
Dự kiến có khoảng 120 đại biểu là đại diện cơ quan Trung ương, Đại biểu Thành phố tham dự hội thảo. Cùng với đó, còn có các đại biểu, khách mời đến từ các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Sơn Tây, Thường Tín tham dự trực tiếp hội thảo tại Hội trường tầng 7, Văn phòng UBND TP. Hà Nội, số 12, Lê Lai, Hoàn Kiếm; đại diện lãnh UBND các quận, huyện, thị xã và phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, đại diện chính quyền cấp xã phường tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.