Khai trương triển lãm trực tuyến “Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới”
Triển lãm trực tuyến “Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới” giúp công chúng có thêm góc nhìn sinh động về những “cửa ngõ” quốc tế và dấu ấn phát triển hạ tầng hàng hải thời thuộc địa. Triển lãm cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Hàng hải Việt Nam (1965-2025).
Ngày /4, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) chính thức khai mạc triển lãm trực tuyến “Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới” trên nền tảng website và fanpage của Trung tâm.
Cảng biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ. Cùng với cảng biển, hải đăng là một phần của cơ sở hạ tầng hàng hải cũng như của hệ thống giao thông đường biển quốc tế. Hải đăng là người bạn đồng hành đáng tin cậy của tàu thuyền, giúp tàu thuyền xác định vị trí và định hướng cũng như đánh dấu các cửa sông và cửa biển, cho phép tàu thuyền ra vào một cách an toàn.

Vì vậy, nhằm khai thác xứ Đông Dương màu mỡ, ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống hải cảng và hải đăng. Sự hình thành mạng lưới hải cảng và hải đăng bên bờ Biển Đông đã mang lại cơ hội lớn cho các công ty vận tải đường biển của Pháp. Hai cái tên nổi bật thời kỳ đó là Công ty Vận tải đường biển (Messageries maritimes) và Công ty Vận tải hợp nhất (Chargeurs réunis).
Với mong muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng những tài liệu, hình ảnh, bản vẽ... phản ánh sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống hải cảng, hải đăng cũng như hoạt động vận tải đường biển cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thực hiện triển lãm trực tuyến "Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới”. Triển lãm cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Hàng hải Việt Nam (1965-2025).
Triển lãm giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hình ảnh đặc sắc phản ánh bức tranh toàn cảnh về quá trình quy hoạch cảng biển, xây dựng hải đăng và vận tải hàng hải trong khu vực Đông Dương giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Triển lãm được chia thành ba phần chính: “Hải cảng - Cửa ngõ giao thương và thâm nhập”; “Hải đăng - Mắt thần canh biển” và “Hải vận - Kết nối những chân trời”.
Thông qua những hình ảnh tư liệu quý hiếm, người xem có cơ hội hiểu sâu hơn về vai trò đặc biệt của hệ thống cảng biển không chỉ với giao thương mà còn là những điểm nóng chiến lược, nơi từng được các cường quốc phương Tây coi là bàn đạp cho hoạt động xâm chiếm thuộc địa.
Với không gian trưng bày được thiết kế công phu, “Hải cảng xưa: Từ Đông Dương ra thế giới” không chỉ giúp người xem khám phá hành trình phát triển của những cảng biển lớn ở ba miền Bắc, Trung, Nam, mà còn gợi mở ký ức về một thời kỳ lịch sử đầy biến động gắn liền với những “con mắt” canh biển - biểu tượng của an toàn hàng hải.
Triển lãm đang mở cửa trực tuyến tại website archives.org.vn và fanpage "luutruquocgia1", sẵn sàng phục vụ công chúng yêu lịch sử, nghiên cứu và tìm hiểu những câu chuyện ít biết về hệ thống cảng biển Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa những năm đầu thế kỷ XX.