Tin địa phương

Vĩnh Phúc: Đồng bộ giải pháp bảo vệ và phát triển rừng

Thái Tôn 16/04/2025 - 17:46

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp không quá lớn, chỉ hơn 36.908 ha (chiếm 27,5% diện tích tự nhiên), Vĩnh Phúc xác định việc bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược lâu dài trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Từ nhận thức đến hành động

Nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng, dù không phải là địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp, Vĩnh Phúc đã triển khai một cách bài bản và đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh bao gồm 3 loại chính: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, được giao cho 13 tổ chức và gần 11.550 hộ gia đình, cá nhân quản lý.

Một trong những bước đi nền tảng là việc tỉnh đã hoàn thành xác lập, phân định ranh giới, lập hồ sơ và cắm 941 mốc ranh giới rừng cùng 80 bảng chỉ dẫn rừng phòng hộ tại 6 huyện, thành phố có rừng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm của từng chủ rừng, từng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ.

Song song đó, hàng loạt cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, khuyến khích các thành phần tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh chỉ đạo sát sao Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&MT và chính quyền các cấp thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Công tác PCCCR được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Sở NN&MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các phương án huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy tại chỗ) và "5 sẵn sàng" (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin).

Hạ tầng phục vụ PCCCR được đầu tư đáng kể với gần 200 km đường băng cản lửa được xây dựng, cùng hệ thống chòi canh lửa và hàng nghìn dụng cụ chữa cháy thô sơ được trang bị. Công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ xung kích và người dân địa phương được tổ chức thường xuyên.

Sự phối hợp liên ngành giữa kiểm lâm, công an, quân đội ngày càng chặt chẽ. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm, nhất là vào mùa hanh khô, cao điểm nguy cơ cháy rừng. Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm về PCCCR cũng được đẩy mạnh.

Nhờ sự chủ động và quyết liệt đó, từ năm 2019 đến nay, dù xảy ra 10 vụ cháy rừng, nhưng tất cả đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ", "5 sẵn sàng". Số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra có xu hướng giảm rõ rệt, minh chứng cho hiệu quả của các giải pháp đã triển khai.

Phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững

Không chỉ dừng lại ở việc giữ rừng, Vĩnh Phúc còn chú trọng phát triển vốn rừng, nâng cao độ che phủ và giá trị kinh tế từ lâm nghiệp. Trong 5 năm qua, tỉnh đã trồng mới gần 4.000 ha rừng tập trung, hơn 6,7 triệu cây phân tán, gieo ươm gần triệu cây giống các loại.

Đáng chú ý, tỉnh đã mạnh dạn thử nghiệm các mô hình lâm nghiệp mới hiệu quả hơn, như trồng 22 mô hình keo lai thay thế bạch đàn truyền thống năng suất thấp, nghiên cứu trồng hơn 100 ha cây dược liệu dưới tán rừng. Riêng năm 20, Vĩnh Phúc trồng được hơn 600 ha rừng tập trung và gần 775.000 cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt trên 103 tỷ đồng/năm.

Để giữ vững mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 25% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nâng cao hơn nữa hiệu quả PCCCR, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục yêu cầu các cấp, các ngành và chủ rừng không lơ là, mất cảnh giác.

Công tác kiểm tra, giám sát PCCCR được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các địa phương có rừng phải rà soát, hoàn thiện phương án PCCCR, đảm bảo lực lượng ứng trực / giờ, sẵn sàng xử lý tình huống ngay từ khi mới phát sinh. Quy chế phối hợp liên ngành, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh với Hà Nội và các tỉnh lân cận, tiếp tục được tăng cường.

Sở NN&MT được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời tham mưu các giải pháp ứng phó. Đồng thời, tỉnh khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng, đặt mục tiêu năm 2025 trồng mới 600 ha rừng tập trung, gần 737.000 cây phân tán, phấn đấu đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 3,3% so với năm 20.

Có thể thấy, với chiến lược bài bản, sự chỉ đạo quyết liệt và hành động đồng bộ, Vĩnh Phúc đang nỗ lực không ngừng để bảo vệ và phát triển "lá phổi xanh" của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Thái Tn