Tỉnh Phú Thọ sẽ thay đổi như thế nào sau sáp nhập?
Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ đã họp và cho ý kiến vào hai dự thảo Đề án: Hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ.
Theo đề án, tỉnh Phú Thọ mới sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của ba tỉnh hiện tại. Sau hợp nhất, tỉnh mới có diện tích trên 9.400 km², dân số khoảng 3,6 triệu người, với trung tâm hành chính – chính trị đặt tại thành phố Việt Trì.
Riêng tại Phú Thọ, hiện có 207 đơn vị hành chính cấp xã (180 xã, phường, 12 thị trấn). Dự kiến sau khi sắp xếp, sáp nhập, sẽ còn lại 66 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 141 đơn vị (tương đương 68,1%).

Các đơn vị hành chính mới sẽ được bố trí hạ tầng hợp lý, giao thông kết nối thuận lợi, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững và giữ vững quốc phòng – an ninh. Toàn bộ biên chế cấp huyện hiện tại sẽ chuyển về cấp xã, giữ nguyên trong 5 năm đầu để rà soát, tinh giản theo quy định. Mỗi xã mới sẽ có khoảng 32 biên chế (chưa tính các tổ chức đảng, đoàn thể).
Các cơ sở giáo dục, y tế sẽ được giữ nguyên và tổ chức lại cho phù hợp với địa giới hành chính mới. Hoạt động của 13 đơn vị hành chính cấp huyện hiện tại sẽ kết thúc từ ngày 1/7/2025. Các xã mới đi vào hoạt động trước /8/2025, và toàn tỉnh Phú Thọ mới sẽ chính thức hoạt động từ trước /9/2025.
Từ nay đến ngày 25/4/2025, các địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri; các cấp HĐND sẽ họp và thông qua Nghị quyết về đề án sắp xếp trước ngày 29/4. Hồ sơ sẽ được hoàn thiện và trình Bộ Nội vụ trước ngày 1/5/2025.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu nhấn mạnh: việc đặt tên các xã mới cần gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa địa phương. Các huyện, thành, thị cần chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, tổ chức bộ máy để đảm bảo đơn vị mới hoạt động ổn định, liên tục và hiệu quả ngay sau khi được Quốc hội thông qua.