Sau sắp xếp, Bình Định còn bao nhiêu đơn vị cấp xã?
Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định hiện có 5 xã - phường - thị trấn, sau khi kết thúc chính quyền cấp huyện, thành lập xã - phường mới thì sáp nhập còn lại khoảng 62 đơn vị.
Sau khi chấm dứt hoạt động chính quyền cấp huyện thành lập chính quyền cấp xã - phường mới, Trung ương đã có định hướng và giao thẩm quyền cho địa phương quyết định về tên gọi mới. Tỉnh Bình Định đã xây dựng các phương án trong việc đặt tên và việc chọn tên, giao cho các địa phương tự chọn.
Trong đó, dự kiến TP. Quy Nhơn sau khi sắp xếp lại sẽ có 1 phường tên Quy Nhơn.
"Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe báo cáo cụ thể và cho ý kiến. Trên tinh thần tôn trọng ý kiến các địa phương, việc này cũng sẽ được lấy ý kiến của nhân dân và thông qua HĐND các cấp có liên quan theo quy định", ông Toàn cho hay.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, về tên gọi các xã - phường mới có thể giống tên xã - phường hiện nay, nhưng vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tầm hoạt động của các xã - phường mới sẽ khác.
Đó là chính quyền cơ sở trực thuộc cấp tỉnh. Đảng bộ cấp xã - phường sắp tới sẽ là Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Ngoài ra, Trung ương, Chính phủ đang có văn bản cụ thể đối với vấn đề xử lý trụ sở, tài sản công. Trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cũng phải lên phương án về tài chính và tài sản sử dụng làm gì?
“Cái nào phù hợp thì chuyển đơn vị khác, chuyển công năng sử dụng. Các phương án sẽ được xây dựng, cố gắng tránh lãng phí”, ông Toàn nói.
Vẫn theo ông Toàn, về việc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, quan điểm của Trung ương không lấy tên mới đặt cho đơn vị hành chính sau sáp nhập. Trung ương có đề ra 6 nguyên tắc khi sáp nhập, trong đó có nguyên tắc đặt tên gọi.
Theo nguyên tắc, vừa rồi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng định hướng khi hợp nhất là Gia Lai và đặt trung tâm hành chính tại tỉnh Bình Định.
“Quy trình thủ tục còn phải lấy ý kiến Nhân dân, HĐND các cấp của 2 tỉnh”, ông Toàn chia sẻ.