Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia: Gần 800 dự án khởi nghiệp tranh tài, bứt phá công nghệ
SV.STARTUP 2025 – Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VII vừa khai mạc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, thu hút gần 800 dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên khắp cả nước.
Từ ngày 18 đến 20/4, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII (SV.STARTUP 2025) diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà đầu tư và chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự kiện không chỉ là nơi tổng kết 7 năm triển khai Đề án 1665 mà còn mở ra giai đoạn phát triển mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Hệ sinh thái khởi nghiệp trong giáo dục ngày càng hoàn thiện
Được tổ chức bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV năm nay đánh dấu một chặng đường phát triển mạnh mẽ, đầy cảm hứng của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).

Kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, Đề án 1665 đã tạo ra một cú hích lớn trong hệ thống giáo dục, giúp lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng lập nghiệp và tư duy khởi nghiệp đến mọi tầng lớp học sinh, sinh viên.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020–20, đã có hơn 33.800 dự án khởi nghiệp của sinh viên và 8.700 dự án của học sinh trung học được triển khai. Đáng chú ý, các trường đại học đã ươm tạo gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp đã gọi vốn thành công, mức cao nhất lên tới 1 tỷ đồng/dự án.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ngày càng chủ động tích hợp khởi nghiệp vào chương trình đào tạo: 58% trường đại học đưa nội dung này thành môn học chính khóa hoặc tự chọn, với tối thiểu 2 tín chỉ. 100% cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp và có kế hoạch hỗ trợ sinh viên trong khởi nghiệp, việc làm. 75% cơ sở có lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp ngắn hạn.
Tới năm 20, có 110 cơ sở đào tạo xây dựng không gian khởi nghiệp riêng cho HSSV, 50 trường thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và 10 cơ sở lập quỹ khởi nghiệp cho sinh viên. Những con số này cho thấy nỗ lực rõ nét trong việc hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường học.
Tăng trưởng cả lượng và chất trong các ý tưởng khởi nghiệp
Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi xướng Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Sau 7 lần tổ chức, cuộc thi thu hút hơn 8.100 dự án đến từ tất cả các cấp học và loại hình cơ sở giáo dục, trong đó 80% đã có sản phẩm cụ thể, còn lại đang ở giai đoạn sản xuất thử.
Chất lượng các dự án ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ ở tính thực tiễn, khả năng ứng dụng công nghệ cao và khả năng thương mại hóa. Một số dự án sau khi đoạt giải đã nhận được đầu tư và bước vào giai đoạn sản xuất tại địa phương, trở thành những mô hình khởi nghiệp mẫu mực trong cộng đồng sinh viên.
Sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cũng đã đến với các vùng sâu, vùng xa, các địa phương khó khăn. Gần 50% trường đại học, học viện tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nội bộ. Hàng năm, mỗi trường đều có từ 10–20 dự án sinh viên dự thi cấp trường hoặc quốc gia. 100% Sở GD&ĐT có học sinh tham gia các cuộc thi cấp quốc gia. Một số tỉnh, thành còn tổ chức cuộc thi khởi nghiệp riêng cho học sinh trung học.
Thông qua cuộc thi, nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư đã bắt đầu quan tâm, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các dự án tiềm năng từ trường học. Đáng chú ý, các dự án đoạt giải cao thường được tiếp tục ươm tạo, hỗ trợ để tiến tới thành lập doanh nghiệp thực sự.
SV.STARTUP 2025: Dấu mốc mới với sự góp mặt của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Năm 2025 là lần đầu tiên Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” chào đón sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này góp phần đa dạng hóa đối tượng, lĩnh vực và kỹ năng thực hành trong các dự án, đồng thời mở rộng phạm vi tác động của Đề án 1665.
Ngay sau 2 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được 775 dự án đăng ký từ học sinh, sinh viên các cấp. Trong đó, 125 dự án xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết – một con số ấn tượng cho thấy sức hút ngày càng lớn của sự kiện.
Các dự án năm nay có xu hướng tập trung vào các vấn đề xã hội, tính ứng dụng cao và tích hợp công nghệ mới như IoT, Big Data, AI. Nhiều dự án đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm, bước vào giai đoạn sinh lời và có mức tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận.
Bên cạnh phần thi chung kết, SV.STARTUP 2025 còn có chuỗi hội thảo, diễn đàn chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng khởi nghiệp trong môi trường giáo dục. Các nội dung nổi bật gồm: Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học; Hỗ trợ khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp thời kinh tế số; Tư vấn nghề nghiệp – việc làm gắn với tinh thần khởi nghiệp.
Sự hiện diện của các doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế trong vai trò Ban Giám khảo và Hội đồng đầu tư giúp SV.STARTUP không chỉ là sân chơi học thuật mà còn là cầu nối hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm thương mại.
Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên không còn là phong trào mà đã trở thành một phần trong chiến lược giáo dục quốc gia – gắn đào tạo với thực tiễn, biến sáng tạo thành giá trị. Với nền tảng 7 năm, SV.STARTUP hứa hẹn sẽ tiếp tục là bệ phóng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ vươn xa trên hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.