Giáo dục

Trường Đại học duy nhất giành hai giải thưởng Sao Khuê danh giá

Nguyễn Liên 19/04/2025 - 19:11

Lần đầu tiên, giữa hơn 500 doanh nghiệp công nghệ dự thi Giải thưởng Sao Khuê 2025, một trường đại học được xướng danh ở hai danh mục của giải thưởng Sao Khuê danh giá.

Giải thưởng Sao Khuê từ lâu đã là sân chơi đỉnh cao của giới công nghệ thông tin, nơi những tên tuổi lớn như Viettel, VNPT, FPT, MISA khẳng định vị thế.

fb_img_1745057647208.jpg
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đạt cú đúp giải thưởng Sao Khuê 2025.

Nhưng ít ai ngờ rằng, trong năm 2025, một cái tên thuộc khối giáo dục lại chen chân và làm nên lịch sử: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU), đơn vị duy nhất trong nhóm các trường đại học giành “cú đúp” ở hai hạng mục quan trọng nhất của giải: Giáo dục đào tạo và Đổi mới sáng tạo.

Danh hiệu đến vào đúng dịp nhà trường kỷ niệm 14 năm thành lập, nhưng đằng sau sự kiện này là một hành trình nhiều năm gắn bó với đổi mới giáo dục số.

Bộ giải pháp iBLS (Intelligent Blended Learning System) là điểm sáng trong hành trình đó. Không mua sẵn công nghệ, không thuê ngoài giải pháp, iBLS được chính đội ngũ giảng viên và sinh viên ICTU phát triển, tích hợp các năng lực về trí tuệ nhân tạo để phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo: từ thiết kế chương trình học, xây dựng học liệu theo đầu ra đến tổ chức lớp học kết hợp và cá nhân hóa tiến trình học tập. Đến thời điểm hiện tại, iBLS đã được áp dụng cho ba khóa sinh viên tại nhà trường và chứng minh hiệu quả rõ rệt.

Từng có những sinh viên của ICTU được ghi nhận tại Sao Khuê qua các sản phẩm khởi nghiệp như HUNONIC hay OmiCX, nhưng đây là lần đầu tiên nhà trường bước ra ánh sáng với tư cách một tổ chức sở hữu giải pháp công nghệ giáo dục toàn diện, thực thi và vận hành bởi chính mình.

Sự kiện Sao Khuê cũng trùng hợp với một chuyển động lớn của chính sách. Ngày 1/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó nhấn mạnh yêu cầu xây dựng khung pháp lý cho tài sản số và tiền kỹ thuật số - một lĩnh vực mà giới công nghệ đang theo dõi sát sao.

Chỉ 4 tuần sau, ngày 30/3/2025, giữa khuôn khổ lễ kỷ niệm thành lập trường, ICTU ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với OKX - một trong những tập đoàn công nghệ tài chính toàn cầu lớn nhất. Nội dung hợp tác trải dài từ đào tạo, nghiên cứu đến chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Blockchain - công nghệ lõi của nền kinh tế số đang hình thành.

0d7db61c-2f00-452d-a732-8167c28c1028.jpg
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên tổ chức ký kết hợp tác toàn diện với Nền tảng Công nghệ tài chính toàn cầu (OKX) của Singapore.

Theo kế hoạch, từ năm 2025, chương trình đào tạo Công nghệ tài chính (Fintech) tích hợp chuyên sâu kiến thức về Blockchain sẽ chính thức tuyển sinh. Đồng thời, chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cũng được cập nhật để phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của hạ tầng số. Phòng thí nghiệm Blockchain được đầu tư bài bản, các nhóm nghiên cứu sinh viên và dự án ứng dụng thực tế như quản lý văn bằng, kết quả học tập bằng Blockchain hay quảng bá du lịch Thái Nguyên bằng công nghệ số sẽ lần lượt được hoàn thiện ngay trong năm.

Khi thị trường tài sản số được thí điểm cấp phép hoạt động, bài toán đặt ra không chỉ là hành lang pháp lý, mà còn là nguồn nhân lực - yếu tố quyết định tính khả thi và bền vững của toàn bộ hệ sinh thái. Công nghệ có thể nhập khẩu, phần mềm có thể mua, nhưng nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về tài sản số, tài chính số, blockchain... thì không thể hình thành trong một sớm một chiều.

Chính vì thế, đào tạo trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi chuyển đổi số quốc gia. Không phải mọi đổi mới công nghệ đều bắt đầu từ trường đại học, nhưng sẽ rất khó để bất kỳ sáng kiến số nào lan tỏa bền vững nếu thiếu nền tảng từ giáo dục. Ở góc độ này, việc ICTU tiên phong xây dựng chương trình đào tạo Fintech tích hợp blockchain, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, triển khai dự án ứng dụng thực tiễn và xây dựng hệ sinh thái học tập hiện đại không chỉ đơn thuần là một nỗ lực nội bộ - mà là bước đi đúng hướng trong tổng thể chiến lược quốc gia.

Đổi mới công nghệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi cùng với đổi mới tư duy đào tạo. ICTU đang chứng minh rằng một trường đại học địa phương hoàn toàn có thể tham gia giải bài toán quốc gia nếu biết chọn đúng điểm rơi của chuyển đổi và đầu tư đúng chỗ - vào con người, vào chương trình, vào năng lực sáng tạo nội sinh.

Hai giải thưởng tại Sao Khuê không phải một cái đích. Đó là bước xác tín cho hướng đi mà ICTU đã chọn - một mô hình đào tạo gắn với thực tiễn, một cách làm giáo dục không chỉ để cấp bằng, mà để tạo giá trị thực.

Nguyễn Liên