Sau sáp nhập, Hải Dương còn bao nhiêu xã, phường?
Theo phương án được đưa ra lấy ý kiến, sau khi sắp xếp, tỉnh Hải Dương còn 64 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 43 xã), giảm 143 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 118 xã, thị trấn và 25 phường).
Ngày 19/4, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương tiến hành lấy ý kiến cử tri vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hải Dương năm 2025 và Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Việc lấy ý kiến cử tri dự kiến hoàn thành trước ngày 21/4.
Tỉnh Hải Dương hiện có 207 đơn vị (1 xã, 46 phường, 10 thị trấn). Dự kiến sau khi sắp xếp, tỉnh Hải Dương còn 64 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 43 xã), giảm 143 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 118 xã, thị trấn và 25 phường).
Các xã, phường mới chủ yếu dự kiến được đặt tên mới theo tên đơn vị hành chính cấp huyện cũ và thêm số thứ tự.

Trong trường hợp được Trung ương cho phép thành lập khu kinh tế chuyên biệt thành 1 đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh đề xuất phương án sắp xếp 207 xã, phường, thị trấn thành 62 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 41 xã).
Phương án sắp xếp đơn vị hành chính được đề xuất sẽ khắc phục tình trạng địa giới bị chia cắt do sông lớn, đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường quốc lộ có mật độ giao thông lớn.
Điều chỉnh hợp lý các khu đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đang nằm trên địa bàn từ 2, 3 đơn vị hành chính trở lên, giúp thống nhất không gian phát triển trong một đơn vị.
Đơn vị hành chính mới được thiết kế theo hướng hợp lý hóa địa giới, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, giúp việc quản lý, quy hoạch, đầu tư, cung cấp dịch vụ công thuận tiện, nhất quán hơn.

Tỉnh Hải Dương hiện có tổng diện tích tự nhiên 1.668 km², dân số gần 2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 30,88%. Hải Dương đang có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện), với 207 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 46 phường, 1 xã, 10 thị trấn).
Nhóm đơn vị hành chính đô thị (các phường thuộc các TP. Hải Dương, TP. Chí Linh và TX. Kinh Môn) phần lớn đều chưa đạt tiêu chí quy mô dân số. Một số phường không đạt tiêu chí diện tích, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực, giảm hiệu quả quản lý, chưa phát huy hết tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.
Nhóm đơn vị hành chính nông thôn (xã, thị trấn thuộc các huyện) phần lớn hiện không đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số theo quy định mới. Tình trạng này dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức quản lý hành chính, cung ứng dịch vụ công và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhóm đặc thù (như khu vực có các khu công nghiệp, vùng quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt) tồn tại bất cập về quản lý hành chính, đặc biệt là quản lý dân cư, tình trạng xâm canh, xâm cư diễn ra phổ biến; việc quản lý, sử dụng hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập, chồng chéo.