Hà Giang - Tuyên Quang lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập các đơn vị hành chính
Các địa phương của tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất hai tỉnh, Tuyên Quang và Hà Giang.
Trước đó, tại cuộc họp hôm 17/4, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang đã xem xét và cho ý kiến vào dự thảo đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang; dự thảo phương án sơ bộ bố trí, sắp xếp chỗ làm việc, chỗ ở cho lãnh đạo, công chức, viên chức, nhân viên sau khi sáp nhập 2 tỉnh.
Các đại biểu cũng đóng góp vào phương án sơ bộ bố trí, sắp xếp chỗ làm việc, chỗ ở cho lãnh đạo, công chức, viên chức, nhân viên sau khi sáp nhập 2 tỉnh; thống nhất nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến nhân dân, cử tri.

Từ ngày 17 đến ngày 20/4, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn hai tỉnh đã tổ chức họp cộng đồng lấy ý kiến nhân dân đối với phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Hà Giang.
Trong không khí trách nhiệm, dân chủ và đồng thuận được lan tỏa khắp các địa bàn, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 02 tỉnh đã tổ chức họp cộng đồng dân cư để lấy ý kiến nhân dân đối với phương án sáp nhập.
Tại Tuyên Quang, thực hiện chủ trương sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) của Đảng, Nhà nước, trong hai ngày 19, 20/4, toàn tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến cử tri của tất cả các xã phường, thị trấn, tổ dân phố về việc hợp nhất 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, lấy tên là Tuyên Quang.
Trung tâm chính trị, hành chính đặt tại Tuyên Quang hiện nay. Sau hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang có diện tích 13.795,51 km2; quy mô dân số là 1.865.270 người.

Đồng thời, chính quyền cũng triển khai lấy ý kiến cử tri về nội dung, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến tên gọi, trụ sở chính của xã mới.
Ý kiến được lấy dưới hình thức tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư gồm các cử tri đại diện hộ gia đình, đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.
Tính thời điểm hiện tại, các địa phương tại Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính, hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang.

Tại Hà Giang, Thực hiện Kế hoạch số 7-KH/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Đề án sáp nhập hai tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương.
Ngày 17/4, một số tổ dân phố thuộc các phường trên địa bàn thành phố Hà Giang đã triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập tỉnh Hà Giang với tỉnh Tuyên Quang cũng như việc sáp nhập các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Đối tượng lấy ý kiến là đại diện các hộ gia đình có liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập. Hình thức lấy ý kiến được thực hiện thông qua phát phiếu đến từng hộ (mỗi hộ 1 phiếu) theo mẫu quy định.
Thời gian lấy ý kiến diễn ra từ ngày 17 đến hết ngày 19/4/2025. Kết quả lấy ý kiến được UBND thành phố tổng hợp và gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước 11 giờ 30 phút ngày 20/4/2025.
Sau khi tiếp nhận và tổng hợp đầy đủ các báo cáo, Sở Nội vụ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án, tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Theo ghi nhận bước đầu, việc lấy ý kiến nhân dân tại hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, đúng tiến độ. Tinh thần chung của người dân là đồng thuận, ủng hộ cao với các phương án sắp xếp, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng vào một bước phát triển mới sau sáp nhập.
Các cuộc họp được tổ chức theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP. Từ việc thông báo trước đến từng hộ dân, chuẩn bị tài liệu, đến nội dung thảo luận, biểu quyết tại cuộc họp, tất cả đều được triển khai bài bản, nghiêm túc.
Việc lấy ý kiến nhân dân là bước đi quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện các chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.