Hoa Kỳ mất 6 chiếc MQ-9 Reaper đắt tiền trong một tháng rưỡi
Lực lượng Houthi vừa công bố video cho thấy họ đã bắn hạ thêm một máy bay không người lái (UAV) trinh sát-tấn công MQ-9 Reaper của Mỹ trên không phận Yemen. Đây là chiếc thứ sáu bị bắn rơi kể từ ngày 3/3.

Video do hãng truyền thông MMY của lực lượng Houthi công bố ghi lại quá trình UAV MQ-9 Reaper bị hệ thống quang điện tử theo dõi, sau đó bị tên lửa phòng không bắn trúng. Những hình ảnh tiếp theo cho thấy các mảnh vỡ của chiếc UAV rơi xuống đất.
Thông tin về vụ bắn hạ này được xác nhận bởi các phóng viên tại Lầu Năm Góc thuộc hãng thông tấn Associated Press và kênh truyền hình Fox News.
Theo phóng viên Jennifer Griffin của Fox, đây là chiếc MQ-9 Reaper thứ sáu bị bắn rơi bởi Houthi kể từ ngày 3/3 và là chiếc thứ năm sau khi Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) nối lại các đợt không kích dữ dội nhằm vào Houthi kể từ ngày /3.
“Dù quân đội Mỹ đã thực hiện các cuộc oanh tạc suốt 35 ngày liên tiếp, Houthi vẫn tiếp tục phóng tên lửa để tiêu diệt những tài sản đắt giá của Mỹ, đồng thời không ngừng nã tên lửa đạn đạo vào Israel. Phần lớn hoạt động hàng hải quốc tế trên Biển Đỏ vẫn chưa được nối lại,” – các nhà báo nhận định.
Cũng theo các phóng viên Mỹ, kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát vào tháng 10/2023, Houthi đã bắn rơi ít nhất 16 chiếc UAV của Mỹ.
Nhu cầu sử dụng Reaper hiện ở mức cao kỷ lục, khi nhiều chỉ huy quân sự Mỹ liên tục than phiền rằng số lượng UAV này không đủ đáp ứng cho các nhiệm vụ chiến đấu.
Tính đến tháng 12/20, Mỹ đang sở hữu tổng cộng 230 chiếc MQ-9 Reaper, theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ do Fox News dẫn lại. Mỗi chiếc Reaper có giá xuất xưởng lên đến 30 triệu USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, các đợt không kích có thể đã khiến khoảng 80 sĩ quan quân đội Houthi thiệt mạng. Tuy nhiên, phần lớn ban lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao của họ, cùng với nhiều bệ phóng tên lửa, vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Các phân tích chỉ ra rằng chỉ một chiến dịch trên bộ mới có thể tạo ra bước ngoặt thực sự. Dẫu vậy, giới quan sát không kỳ vọng Mỹ sẽ triển khai lực lượng bộ binh quy mô lớn, mà có thể chỉ đưa vào các đơn vị đặc nhiệm với nhiệm vụ điều phối tấn công.
Trong trường hợp Mỹ tiến hành chiến dịch mặt đất, họ có thể cung cấp hậu cần và đạn dược nhưng không trực tiếp đưa quân ồ ạt vào Yemen.
Đáng chú ý, Iran được cho là đã ra lệnh cho các lực lượng của mình rút khỏi Yemen, do lo ngại các đợt không kích liên tục của Mỹ nhắm vào lực lượng Houthi. Theo lý do được đưa ra, bước đi này nhằm tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ nếu có quân nhân Iran thiệt mạng.
Giới chức Tehran tin rằng lực lượng Houthi có thể mất ảnh hưởng trong vài tháng hoặc thậm chí chỉ trong vài ngày tới, khiến việc tiếp tục hỗ trợ họ trở nên vô nghĩa.
Một nguồn tin của The Telegraph cho biết, lực lượng Houthi tại Yemen là một phần của hệ thống lớn hơn, từng dựa vào sự hậu thuẫn từ Hassan Nasrallah – cựu lãnh đạo Hezbollah và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, khi cấu trúc này không còn hoạt động hiệu quả, việc duy trì một mắt xích đơn lẻ như Houthi không còn giá trị chiến lược.