Tin địa phương

Tên gọi xã, phường và hồn đất Quảng

Hải Nam 21/04/2025 - 16:28

Ngày 21/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thảo luận, thông qua phương án đặt tên mới cho 88 xã, phường trên địa bàn tỉnh, thay thế phương án đã ban hành trước đây.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, trong 2 ngày 19 và 20/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Phương án ban hành tại Nghị quyết số 45 của Tỉnh ủy. Có 99,02% cử tri đại diện hộ gia đình trên toàn tỉnh tham gia ý kiến; trong đó cử tri tán thành với việc sắp xếp cấp xã đạt tỷ lệ 97,66% và có 98,52% cử tri tán thành việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ngày 20/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương tổng rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; trên cơ sở đó đề xuất đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp.

9-1-.jpg
Quảng Nam tổ chức thảo luận đặt lại tên xã, phường mới sau sáp nhập

Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đại biểu đã thảo luận, góp ý sôi nổi và thống nhất không đặt tên các xã phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3... hoặc theo phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.

Theo đó, nhiều tên đất, tên làng, dòng sông, con suối, hay di sản văn hóa nổi tiếng của Quảng Nam đã được đặt tên cho các xã mới, phường mới.

Không còn những cái tên vô hồn như “Duy Xuyên 1”, “Điện Bàn 2” hay “Đông”, “Tây”, “Nam”, “Bắc”... những danh xưng khô khan có thể làm nhòa đi bản sắc vùng miền. Thay vào đó, mỗi tên gọi được chọn giờ đây đều là sự chắt lọc từ ký ức, là hơi thở của lịch sử, là giọng nói của lòng đất và tiếng vọng của những di sản văn hóa lâu đời.

Tên đất không chỉ là cách định danh, mà còn là linh hồn của một vùng quê Quảng Nam xưa cũ, nơi từng bước chân người đi qua đều in đậm dấu tích của thời gian, nay lại một lần nữa được sống dậy qua những cái tên mới, mà cũng là rất đỗi thân quen. Bởi thế, những cái tên như Thanh Châu, Thanh Hà, Hương Trà, Bàn Thạch… được chọn không chỉ vì đẹp, mà vì chúng gợi nhớ, gợi thương, là giữ gìn, là trao gửi. Và trong từng lựa chọn ấy, là cả một tấm lòng với quê hương, với cội nguồn văn hóa không thể nào phai.

Đặt tên là một cách để kể chuyện. Mỗi cái tên mới của các xã, phường hôm nay không đơn thuần chỉ là một ký hiệu hành chính, mà là cả một lát cắt lịch sử, một đoạn ký ức được gói ghém trong từng con chữ. Đó là cách mà người Quảng Nam gìn giữ và truyền lại hồn cốt của đất mẹ bằng sự tôn trọng quá khứ và khát vọng gìn giữ bản sắc cho thế hệ mai sau.

Những cái tên như A Vương, Bến Hiên, Tài Đa, Chiên Đàn… gợi nhắc đến những miền đất thiêng liêng, nơi từng gắn bó máu thịt với bao đời cư dân bản địa. Là nơi tiếng chiêng ngân vang trong lễ hội, là chốn từng nuôi dưỡng những anh hùng, những con người bình dị mà kiên cường.

Còn những tên gọi như Mỹ Sơn, Thu Bồn, Bình Dương... từ lâu đã vượt ra ngoài một địa danh cụ thể để trở thành biểu tượng của chiều sâu văn hóa, của cảnh sắc hữu tình, của những câu chuyện chưa bao giờ cũ.

Là dòng sông Vu Gia cuộn chảy trong tâm trí, là Gò Nổi phơi mình trong bom đạn kẻ thù, là Chợ Được đông vui một thuở. Những cái tên ấy, từ nay sẽ sống tiếp trong lòng người, trong từng bước chân, từng lá thư, từng lời gọi của người dân. Đặt tên là giữ gìn, là trao gửi. Và trong từng lựa chọn ấy, là cả một tấm lòng với quê hương, với cội nguồn văn hóa không thể nào phai.

Người ta vẫn nói: “Tên gọi mang theo vận mệnh” và có lẽ, với cách đặt tên gắn liền với di sản, với ký ức văn hóa như thế này, những vùng đất mới của Quảng Nam sẽ mang theo một vận mệnh đặc biệt, vận mệnh của sự tiếp nối, của bản sắc được thắp sáng, không phai mờ theo thời gian. Đó là bước chân vừa hiện đại, vừa đầy trân trọng với truyền thống, để mỗi lần nhắc đến một cái tên, là một lần nhắc nhớ về cội nguồn Quảng Nam.

Cụ thể tên đơn vị hành chính xã mới, phường mới tại Quảng Nam:

1(1).jpg
2(1).jpg
3(1).jpg
4.jpg
5(1).jpg
6(1).jpg
7.jpg
8(1).jpg

Hải Nam