Quảng Ninh góp ý loạt dự thảo luật trước Kỳ họp Quốc hội
Nội dung tập trung thảo luận, góp ý cho 5 dự thảo luật: Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thanh tra (sửa đổi).
.jpeg)
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với nhiều dự thảo luật quan trọng, nhằm đảm bảo tính thực tiễn, đồng bộ và khả thi trong triển khai pháp luật.
Hội nghị diễn ra ngày 22/4 với sự tham dự của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà; bà Trần Thị Kim Nhung , Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cùng các đại biểu, chuyên gia pháp lý, đại diện các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh.
Nội dung buổi sáng tập trung thảo luận, góp ý cho 5 dự thảo luật: Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Các đại biểu đã phân tích sâu sắc về cơ sở pháp lý, tính cấp thiết ban hành luật, đồng thời góp ý cụ thể về những vấn đề nổi bật như: ứng dụng công nghệ số trong lấy lời khai từ xa; quy trình phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng và ngoại giao; cơ chế kiểm soát tránh chồng chéo giữa các cấp viện kiểm sát; và tương trợ tư pháp qua biên giới.
Buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận các dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình tại kỳ họp tới, gồm: Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Các ý kiến tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý, phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý là bước quan trọng trong quy trình xây dựng pháp luật, góp phần thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, phản ánh đầy đủ thực tiễn từ cơ sở.
Đồng thời khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp báo cáo gửi các cơ quan soạn thảo và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, đóng góp ý kiến từ các cấp, các ngành trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9 sắp tới.