Bình Định: Đổi tên phường mới từ số thứ tự sang tên có địa danh
Ngày 22/4, ông Phạm Trương - Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, địa phương này đã họp bàn thống nhất thay đổi phương án đặt tên phường mới, theo nguyện vọng của nhân dân, từ số sang chữ.
Lắng nghe ý kiến người dân, đổi tên phường mới từ số sang chữ
Trước đó, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định công bố quyết định lấy ý kiến người dân về sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Theo đó, thị xã Hoài Nhơn được sắp xếp thành 7 phường mới có tên đánh số, từ Hoài Nhơn 1 đến Hoài Nhơn 7.
Tuy nhiên, lắng nghe lại các ý kiến, tham khảo từ người dân, thấy cần đặt tên mang bản sắc, gắn với lịch sử, văn hoá, vùng đất và con người, nên thị xã quyết định đổi phương án đặt tên. Ngày 22/4, Ban Thường vụ Thị ủy Hoài Nhơn họp và thống nhất đổi tên từ đánh số sang đặt tên chữ.
Bí thư Thị uỷ Hoài Nhơn cho rằng, Hoài Nhơn, Bồng Sơn và Tam Quan là 3 cái tên không thể bỏ đối với người dân thị xã Hoài Nhơn.
Sở dĩ lấy tên Hoài Nhơn đặt cho các phường mới, bởi phủ Hoài Nhơn đã có từ cách đây 555 năm. Và địa danh Hoài Nhơn đã được bà con quê hương gìn giữ, đoàn kết tạo nên nhiều thành tích vẻ vang, trong thời chiến lẫn thời bình.

Bồng Sơn, Tam Quan là địa danh có lịch sử lâu đời, gắn bó với truyền thống văn hóa, in sâu trong ký ức người dân và trải qua rất nhiều thế hệ.
Theo Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, sau khi thay đổi, 7 phường mới sẽ được đặt tên là Hoài Nhơn, Bồng Sơn, Tam Quan, 4 phường còn lại sẽ lấy phường Hoài Nhơn làm trung tâm, đặt tên theo hướng đông, tây, nam, bắc.
Cụ thể, thành lập phường Bồng Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Bồng Sơn và phường Hoài Đức (thay cho Hoài Nhơn 1).
Phường Tam Quan trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tam Quan và xã Hoài Châu (thay Hoài Nhơn 6).
Phường Hoài Nhơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hoài Thanh, phường Tam Quan Nam và phường Hoài Thanh Tây (thay Hoài Nhơn 4). Từ trục trung tâm phường Hoài Nhơn nằm chính giữa thị xã, 4 phường còn lại nằm ở hướng nào thì đặt tên theo hương đấy.
Phường Hoài Nhơn Đông trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hoài Hương, xã Hoài Hải và xã Hoài Mỹ (thay Hoài Nhơn 3).
Phường Hoài Nhơn Tây trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hoài Hảo và xã Hoài Phú (thay Hoài Nhơn 5).
Phường Hoài Nhơn Nam trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hoài Tân và phường Hoài Xuân (thay Hoài Nhơn 2).
Phường Hoài Nhơn Bắc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tam Quan Bắc, xã Hoài Sơn và xã Hoài Châu Bắc (thay Hoài Nhơn 7).
“Đặt tên gọi cho cấp xã mới là trách nhiệm với lịch sử, cần cách làm tốt nhất”
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn cho hay, hiện tại, đã lấy ý kiến nhân dân được 60%, tối nay sẽ làm xuyên đêm để sáng mai họp HĐND cấp xã, đến chiều mai thị xã sẽ họp HĐND để thông qua, trình tỉnh.
“Với tên gọi thay đổi lần này dựa trên sự cầu thị, lắng nghe và kết quả bước đầu cho thấy, đại đa số người đều đồng thuận, đây là điều rất vui”, ông Phạm Trương chia sẻ.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định đã yêu cầu, Bí thư các địa phương nên cân nhắc thấu đáo, đây là trách nhiệm đối với lịch sử.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã nhận được rất nhiều tin nhắn với đề xuất khác nhau về đặt tên gọi cấp xã.
“Mấy hôm nay rất trăn trở, không ngủ được, phải coi hết các tỉnh đặt tên kiểu gì, để suy nghĩ, phải đúng với thực tế và nguyện vọng đại đa số của người dân. Tỉnh rất lúng túng, nhưng vẫn còn cơ hội để nghiên cứu đặt tên”, ông Hồ Quốc Dũng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không áp đặt việc đặt tên và giao quyền cho địa phương quyết định.
Tuy nhiên, ngàn năm sau tên gọi vẫn gắn với các địa phương. Vì vậy, các Bí thư địa phương chịu trách nhiệm với lịch sử, cần tìm ra phương án tốt nhất, để người dân đồng tình ủng hộ. Suy nghĩ, tranh thủ ý kiến tư vấn của chuyên gia, nguyên lãnh đạo, có cách gì mà tốt nhất thì làm, để sau này con cháu không trách ông cha mình, tại sao ngày xưa lại đặt tên như thế!
“Nếu cần thiết phải nghiên cứu đặt tên gọi gắn với lịch sử, vùng đất, văn hoá, nói lên được nhiều điều và phải được đa số người dân ủng hộ. Cần hết sức thận trọng, cân đong đo đếm cái được và không được cho quê hương, xem xét một cách thấu đáo trước khi quyết định”, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị.