Đời sống

TP.HCM không còn hộ nghèo, thành quả sau 50 năm thống nhất đất nước

Kim Sáng 23/04/2025 - 09:18

Giai đoạn 2022 - 2025, TP.HCM là một trong những địa phương không còn hộ nghèo. Đây được xem là dấu mốc đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Để có được thành quả trên phải nhắc đến hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong đó có chi nhánh NHCSXH TP.HCM, tổ chức tín dụng của Nhà nước, hoạt động vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

Chính sách ưu đãi phủ đến từng khu, ấp

Những năm qua, xác định tầm quan trọng của các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách, chi nhánh NHCSXH TP.HCM đã và đang thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả, đồng bộ.

Ông Bùi Văn Sổn - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP.HCM cho biết, đến nay, những chính sách ưu đãi được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn và khu phố, ấp trên địa bàn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo bền vững.

Trong đó, chi nhánh NHCSXH TP.HCM tập trung huy động nguồn lực cho vay đến người dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Từ đó, tạo điều kiện giúp hơn 262.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số hơn 16.357 tỷ đồng (giai đoạn 2021-20).

z65272309540_3dc9e3eea3af8d605cbf50651e702e8e.jpg
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM.

Không chỉ thực hiện những mục tiêu cơ bản trong CTMTQG về giảm nghèo bền vững mà người dân còn được tiếp cận các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như nhà ở, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mặt khác, những chính sách này hỗ trợ đa chiều, giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách; tăng thu nhập, tiết kiệm, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực hộ vay, góp phần bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, phương thức cho vay được thực hiện bằng việc ủy thác quy trình cho các tổ chức chính trị - xã hội (chiếm 99,9% tổng dư nợ), từ đó tạo sự gắn kết cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đi vào chiều sâu, chất lượng ủy thác, ủy nhiệm và chất lượng tín dụng được củng cố, nâng cao; hiệu quả sử dụng vốn, thu nhập của đoàn viên, hội viên và các đối tượng thụ hưởng được nâng dần qua từng năm...

Cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng nhận thức rõ vai trò, vị trí của những chính sách ưu đãi trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Theo thống kê của chi nhánh NHCSXH TP.HCM, hiện nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt gần 19%. Có trên 200.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Những con số ấn tượng

Ông Bùi Văn Sổn cho biết, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên chi nhánh NHCSXH TP.HCM vẫn ưu tiên, tập trung nguồn lực cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, đến nay, đã có gần 1.300.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chi nhánh NHCSXH TP.HCM, góp phần giúp hơn 350.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn; thu hút, tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho gần 590.000 lượt lao động, giúp gần 500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 132.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

z65091492086_8358d664525cc6493579100a30978f71.jpg
Ông Bùi Văn Sổn - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP.HCM.

Cạnh đó, xây dựng, cải tạo hơn 417.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn 5 huyện ngoại thành; hỗ trợ cho vay để sửa chữa, cải tạo 1.232 căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ cho 322 người có công và người có thu nhập thấp xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội, đảm bảo an cư lập nghiệp; giúp 83 hộ gia đình vay vốn, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù... góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đồng thời, giúp 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67.200 lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; giúp 181 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch và mua saắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động...

Mặt khác, vốn tín dụng chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen trên địa bàn.

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của TP.HCM giảm giần qua các giai đoạn. Giai đoạn 2014 – 20, hộ nghèo từ 4,23% xuống 0,48%, hộ cận nghèo từ 2,53% xuống 1,69%; giai đoạn 2016 – 2018, hộ nghèo từ 3,36% xuống 0,19%, hộ cận nghèo từ 2,41% xuống 1,%; giai đoạn 2019 – 2020, hộ nghèo từ 1,11% xuống 0,13%, hộ cận nghèo từ 1,30% xuống 0,62%; giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo từ 1,49% xuống 0,4%, hộ cận nghèo từ 0,80% xuống 0,57% (cuối năm 20).

Theo ông Bùi Văn Sổn - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP.HCM, giai đoạn 2022 - 2025, TP.HCM là một trong những địa phương không còn hộ nghèo. Đây được xem là dấu mốc đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Kim Sáng