Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị đề nghị từ 6-7 năm tù
Sau hai ngày xét xử, sáng 23/4, phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng 11 bị cáo khác trong vụ án sai phạm về điện mặt trời đã kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.

Đề nghị xử phạt nhiều mức án nghiêm khắc
Theo đó, với các bị cáo ở nhóm tội “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù; Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù; Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Trần Quốc Hùng, cựu Phó phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty mua bán điện (thuộc EVN), bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Nguyễn Hữu Khải, cựu Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện, Công ty mua bán điện, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Đỗ Ngọc Tuyền, cựu chuyên viên phòng kinh doanh mua bán điện, Công ty mua bán điện, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Trương Hoàng Dũng, cựu nhân viên phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin, Công ty mua bán điện, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; Phan Văn Sang, cựu công chức phòng Thanh tra-kiểm tra 3, Cục thuế tỉnh Bình Phước, bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù
Với nhóm bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Duy Khánh, cựu Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Phước, bị đề nghị 3 năm tù cho hưởng án treo; Trần Văn Định, cựu Trưởng phòng Thanh tra-kiểm tra 3, Cục thuế tỉnh Bình Phước, bị đề nghị 3 năm tù cho hưởng án treo; Phạm Quang Vinh, cựu Phó phòng Nghiệp vụ-dự toán-pháp chế, Cục thuế tỉnh Bình Phước, bị đề nghị 3 năm tù cho hưởng án treo.

Vụ sai phạm về điện mặt trời là rất nghiêm trọng
Theo đại diện VKS, vụ sai phạm về điện mặt trời là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan Nhà nước. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là cần thiết nhằm kịp thời xử lý hành vi phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm chung.
Trong đó, bị cáo Hoàng Quốc Vượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý chỉ đạo tổ soạn thảo xây dựng Quyết định 13 theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi giá điện 9,35 Us cents/kWh.
Bị cáo Phương Hoàng Kim biết rõ diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi trong Dự thảo Quyết định 13 đang được mở rộng, không đúng với Nghị quyết 1/NQ-CP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dù vậy, bị cáo Kim cố ý không chỉ đạo Tổ soạn thảo và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thực hiện đúng Nghị quyết 1 nhằm mục đích cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam được vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh để được hưởng giá ưu đãi.

Theo VKS, bị cáo Vượng không có tình tiết tăng nặng, thành khẩn khai báo, đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi, có nhiều thành tích trong công tác… Các bị cáo khác cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị Tòa án buộc 3 doanh nghiệp hưởng lợi không có căn cứ phải hoàn trả tiền cho EVN.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 1/NQ-CP về việc thực hiện một số chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết nêu rõ tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá điện ưu đãi đến hết năm 2020 đối với các dự án công suất 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai.
Sau đó, Bộ Công Thương được giao soạn thảo Quyết định số 13 của Chính phủ. Quá trình soạn thảo văn bản này, bị cáo Hoàng Quốc Vượng cố ý chỉ đạo tổ soạn thảo xây dựng Quyết định 13 theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi giá điện 9,35 Uscents/kWh như trên.
Sau khi Quyết định số 13 được ban hành, có 2 nhà máy điện mặt trời được hưởng giá điện ưu đãi không đúng, dẫn đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN chịu thiệt hại hơn 1.043 tỷ đồng.
Cùng vụ án, tại Công ty mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN), nhóm bị cáo Trương Hoàng Dũng, Đỗ Ngọc Tuyền, Nguyễn Hữu Khải, Nguyễn Danh Sơn đã thẩm định, duyệt, ký cấp văn bản công nhận ngày vận hành thương mại cho Nhà máy Lộc Ninh 3 trái quy định, gây thiệt hại cho EVN số tiền 209 tỷ đồng.
Tại Cục thuế tỉnh Bình Phước, bị cáo Phan Văn Sang biết rõ Nhà máy Lộc Ninh 3 không đủ điều kiện hoàn thuế nhưng vẫn lập, ký biên bản kiểm tra thuế, phiếu đề xuất, tờ trình để cấp trên phê duyệt.
Các bị cáo Trần Văn Định, Phạm Quang Vinh, Nguyễn Duy Khánh không thực hiện hết trách nhiệm được giao, không kiểm tra tính pháp lý của Nhà máy Lộc Ninh 3, không phát hiện hồ sơ hoàn thuế không đủ điều kiện pháp lý dẫn đến việc ký quyết định hoàn thuế trái quy định. Hành vi của nhóm bị cáo này gây thiệt hại cho ngân sách số tiền hơn 145 tỷ đồng.