Quyết liệt dẹp loạn mỹ phẩm trôi nổi trên TikTok, Facebook, YouTube
Cục Quản lý Dược yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các nền tảng số như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube và các sàn thương mại điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật.
Ngày /3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Động thái này được đưa ra sau khi một số địa phương phát hiện vi phạm như: sản xuất mỹ phẩm tại cơ sở không phép, thay đổi thành phần so với hồ sơ công bố, quảng cáo sai bản chất sản phẩm.

Bộ Y tế cho biết, nhiều sản phẩm đang được rao bán là hàng xách tay, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cấp phép lưu hành. Một số trường hợp có dấu hiệu buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, trốn thuế, quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh. Đáng chú ý, nhiều nội dung quảng cáo còn sử dụng trái phép hình ảnh, trang phục, tên tuổi bác sĩ, cơ sở y tế... gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Bộ đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra các nền tảng phổ biến như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube… để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, sản phẩm quảng cáo sai quy định sẽ bị thu hồi, tiêu hủy và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự.
Cục Quản lý Dược cũng lưu ý: tổ chức, cá nhân không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại cơ sở chưa được cấp phép; sản phẩm chỉ được lưu hành khi đã có phiếu công bố hợp lệ. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và an toàn sản phẩm.
Trước đó hai ngày, Bộ Y tế đã yêu cầu kiểm soát hoạt động mua bán thuốc kê đơn trên mạng và khuyến cáo người dân chỉ mua tại nhà thuốc hợp pháp. Việc siết chặt quản lý được thực hiện trong bối cảnh lực lượng công an liên tiếp phát hiện các đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc và sữa giả, phần lớn tiêu thụ qua mạng và kênh bán lẻ, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng.