Thái Nguyên "đột phá" số hóa thương mại điện tử vào đời sống
Hàng nghìn người dân, học sinh, sinh viên hào hứng tham gia chuỗi sự kiện “kích hoạt” chiến dịch GoOnline và TikTok Go Online 2025.
“Tuần lễ Thương mại điện tử - Go Online” tỉnh Thái Nguyên 2025 do UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TikTok Việt Nam tổ chức từ ngày 25/4 - 29/4, nhằm nâng cao năng lực thương mại điện tử (TMĐT) của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Được biết, tỉnh Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, ngay sau khi Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Điều này đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới, mang lại nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời đại mà TMĐT không chỉ là xu hướng, mà là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế số toàn cầu.
Theo ông Ninh, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 20 đạt hơn 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% và dự kiến sẽ giữ đà trong các năm tới. Đáng chú ý, tại khu vực nông thôn, những nền tảng như TikTok, Shopee hay Lazada đang giúp hàng triệu hộ kinh doanh tăng doanh thu gấp 2 - 3 lần chỉ sau một năm.

“Tuần lễ Thương mại điện tử - Go Online” sẽ có một khóa đào tạo diễn ra trong ba ngày, từ 25 đến 27/4, được thiết kế theo hướng “cầm tay chỉ việc”, tập trung vào sáu nội dung trọng điểm. Học viên sẽ được hướng dẫn cách sáng tạo nội dung bằng video ngắn, xây dựng và vận hành hiệu quả gian hàng trực tuyến, thiết lập và điều hành phòng livestream chuyên nghiệp.
Chương trình đào tạo không chỉ dừng ở đào tạo kỹ năng, mà còn mở ra cơ hội kết nối thực chất giữa người học với các chuyên gia từ TikTok Việt Nam, doanh nghiệp TMĐT lớn và các giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn.
Với phương châm “Học thật - Làm thật - Lợi ích thật”, Chương trình hứa hẹn sẽ là cú hích tạo đà chuyển mình cho hàng ngàn hộ kinh doanh, hợp tác xã và thanh niên khởi nghiệp địa phương. Từ livestream đến gian hàng số, từ sản phẩm làng nghề đến thương hiệu quốc gia, TMĐT đang mở ra đại lộ phát triển mới cho Thái Nguyên trong kỷ nguyên số.

Để phát triển đi vào chiều sâu có trọng điểm, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chiến lược đào tạo bài bản tại các trường Đại học trên địa bàn, trong đó trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên (ICTU) là 1 trong ba trường Đại học đầu tiên Việt Nam mở ngành đào tạo đại học TMĐT từ năm 2014.
Đến nay, ICTU đã đào tạo gần 500 sinh viên tốt nghiệp đúng ngành TMĐT và hiện đang có 1.000 sinh viên theo học. Nếu tính cả nhóm ngành gần như thiết kế, truyền thông, kinh tế số..., con số này là 2.000 sinh viên đã tốt nghiệp và 4.000 đang theo học – quy mô được xem là lớn nhất cả nước trong lĩnh vực TMĐT.
Với chiến lược thực tế, các chương trình đào tạo ứng dụng – thực tiễn – thực chiến, ngôi trường này hiện đang thu hút rất đông học sinh ứng tuyển, trong đó có sinh viên Nguyễn Minh Trường, người sáng lập thương hiệu “Ăn cùng bà Tuyết”, đã đạt doanh số top 1 trong lĩnh vực ẩm thực trên cả Shopee và TikTok Shop. Đây là một minh chứng sống động cho hiệu quả của mô hình đào tạo gắn với thực tiễn.

Ông Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên chia sẻ: "Thái Nguyên đang tăng tốc phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, Trường ICTU mong muốn sẽ trở thành trung tâm kết nối giữa các doanh nghiệp TMĐT với nguồn nhân lực chất lượng. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các tổ chức trong tỉnh, thông qua việc hỗ trợ đào tạo, tài trợ khóa học, chuyển giao tri thức, và đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho tỉnh nhà.
Với sự đồng hành của TikTok và các đối tác chiến lược, Thái Nguyên sẽ không chỉ là trung tâm công nghiệp và giáo dục lớn, mà còn có thể trở thành “thủ phủ Thương mại điện tử của miền Bắc” – nơi sản sinh ra những “làng Taobao tỷ đô”, những thương hiệu số xuất khẩu ra toàn cầu từ chính mảnh đất giàu tiềm năng này".