Chính trị

TANDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Duy Tuấn 26/04/2025 16:35

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Dự phiên họp có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến…

Không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện

Trình bày tờ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.

ta1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 20).

Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Dự thảo Luật bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 01 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 01 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 01 Chánh án Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định để thay cho 03 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật hiện hành.

Bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án

Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án nhân dân, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 3 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án.

ta4.jpeg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Theo đó, đối với Tòa án nhân dân tối cao, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị (sửa đổi Điều 46 Luật hiện hành);

Bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao có các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (sửa đổi Điều 47 Luật hiện hành).

Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội (sửa đổi Điều 48 Luật hiện hành).

ta3.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại điểm b khoản 1 Điều 96 Luật hiện hành theo hướng quy định trong trường hợp đặc biệt, cấp có thẩm quyền có thể quyết định tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 3, 5, và 6 Điều 94, điểm a, c Điều 96 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nếu người đó đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân hoặc có từ đủ 05 năm trở lên làm Vụ trưởng hoặc tương đương tại Tòa án nhân dân tối cao. Quy định này nhằm tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao dự kiến tăng thêm về số lượng.

Ngoài ra, bổ sung một điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (bổ sung Điều 49a).

Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của luật (sửa đổi Điều 55 Luật hiện hành).

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật (sửa đổi Điều 55, Điều 57 Luật hiện hành).

ta6.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng

Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng gồm Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc; đồng thời, giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (sửa đổi Điều 56 Luật hiện hành).

Đối với Tòa án nhân dân khu vực, cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực.

ta5.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng bổ sung quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thẩm phán Tòa án nhân dân; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật tại Điều 80 Luật hiện hành.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao tại khoản 3 Điều 93 Luật hiện hành.

ta2.jpeg
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí giải trình, tiếp thu vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính kỹ thuật như: Thay thế các cụm từ “Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” bằng “Tòa án nhân dân khu vực”; “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” bằng “Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân. "Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2025".

Thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết ban hành Luật. Nhất trí với đề xuất của TANDTC về xây dựng, ban hành Luật này theo thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến.

Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của TAND.

Tại phiên họp, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí đã giải trình, tiếp thu vấn đề các đại biểu quan tâm về việc tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; các điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán; hoạt động của các Tòa chuyên trách.

ta7.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

* Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao TANDTC đã chủ động, khẩn trương phối hợp với các cơ quan soạn thảo hồ sơ dự án Luật trình UBTVQH, Quốc hội; Hồ sơ đầy đủ, có chất lượng theo quy định của pháp luật.

UBTVQH nhất trí tài liệu đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo trình tự rút gọn; UBTVQH thống nhất phạm vi sửa đổi của dự án luật.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 9 có nhiều luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, các luật về tố tụng tư pháp và nhiều luật khác có liên quan cùng trình Quốc hội xem xét thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TANDTC, UBPLTP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong quá trình tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Duy Tuấn