Tâm điểm dư luận

Nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã

Trung Nguyễn 27/04/2025 - 14:09

Việc tập trung xây dựng nguồn nhân lực lãnh đạo cấp xã đủ năng lực, chuyên môn và kỹ năng sẽ là điều kiện tiên quyết, đảm bảo sự thành công và hiệu quả bền vững của mô hình địa phương 2 cấp mà Việt Nam đang hướng tới.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay trên toàn quốc, cấp xã có 10.035 đơn vị, dự kiến sẽ tổ chức lại chỉ còn khoảng 5.000 - gần như là một huyện nhỏ. Tính đến ngày 31/12/20, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là trên 212.600 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên.

Về vấn đề bổ sung cán bộ cho cấp xã, tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã đề xuất bỏ quy định về "cán bộ, công chức cấp xã".

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị chính sách thống nhất nền công vụ từ Trung ương đến cơ sở. Chính sách này nhằm thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nền công vụ thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát, bổ sung vị trí việc làm, chế độ chính sách (tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thang bảng lương...) đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở đơn vị hành chính cấp xã.

Việc xóa bỏ cấp huyện sẽ chuyển lượng lớn công việc trực tiếp xuống cấp xã và lên cấp tỉnh. Trước đây, cấp huyện giữ vai trò điều phối các chính sách, kế hoạch từ tỉnh xuống xã, đảm bảo hệ thống quản lý vận hành thông suốt. Khi cấp huyện không còn, cán bộ cấp xã sẽ phải trực tiếp đảm nhiệm các nhiệm vụ quản lý như đất đai, tài chính-ngân sách, đầu tư công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Điều này yêu cầu đội ngũ lãnh đạo cấp xã phải được nâng cao về năng lực, chuyên môn và kỹ năng.

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, mục đích của việc sắp xếp lần này không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà còn là sự thay đổi cơ bản về chất. Cụ thể, là phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đồng thời bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ lại nguồn lực và tạo không gian phát triển.

Do đó, cấp xã sẽ có sự thay đổi cơ bản so với hiện nay. Trong đó, diện tích, dân số cấp xã sẽ tăng lên. Phần lớn thủ tục hành chính của nhân dân được giải quyết ở cấp xã nên bộ máy cấp xã sẽ được tăng cường lên rất nhiều. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã sẽ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, dự kiến UBND xã có thể được tổ chức 5 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng; Phòng Kinh tế; Phòng Nội vụ - Tư pháp; Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.

Điều đó cho thấy công việc của cấp xã thời gian tới khác rất nhiều so với hiện nay. Do đó, đội ngũ cán bộ cấp xã cần phải chuyển đổi từ tư duy hành chính đơn thuần sang tư duy quản trị phục vụ, đòi hỏi sự sáng tạo, chủ động và áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý.

Để giải quyết những thách thức trên, cần ưu tiên xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã một cách toàn diện, tập trung vào các kỹ năng quản lý tài chính công, đầu tư, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số. Cần có các chính sách cụ thể thu hút cán bộ trình độ cao, có kinh nghiệm từ cấp huyện, tỉnh về cấp xã nhằm bổ sung lực lượng nhân sự chất lượng ngay từ đầu.

Công tác bố trí, sắp xếp cán bộ cũng cần được thực hiện khoa học, khách quan, tránh xáo trộn tâm lý, đồng thời cần thiết lập cơ chế xử lý, điều chuyển hợp lý đối với cán bộ dôi dư. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế giám sát minh bạch, hiệu quả để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã mới…

Trung Nguyễn