Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2025 khép lại sau một tuần sôi động
Sau hơn một tuần diễn ra tại Công viên APEC và khu vực phố đi bộ Bạch Đằng (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), tối 27/4, Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2025 đã khép lại, khẳng định sức sống mạnh mẽ của văn hóa đọc trong cộng đồng.
Được tổ chức từ ngày 20/4 đến 27/4/2025, với chủ đề “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng, UBND quận Hải Châu tham mưu UBND TP. Đà Nẵng tổ chức; Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng triển khai thực hiện.
Ngày hội là hoạt động trọng tâm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, đồng thời nằm trong chuỗi sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển TP. Đà Nẵng, 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Diễn ra trong không gian mở, gần gũi ngay trung tâm thành phố, ngày hội đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và các đoàn viên thanh niên.
Bên cạnh sự hiện diện của các độc giả, tác giả, nhà nghiên cứu, sự kiện còn quy tụ những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành, thư viện, cùng nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Ban Tổ chức kiến tạo nên một không gian sách đa sắc màu, góp phần lan tỏa sâu rộng văn hóa đọc tới cộng đồng.

Trong khuôn khổ ngày hội, hàng loạt hoạt động phong phú, hấp dẫn đã diễn ra. Các gian hàng sách đến từ những thương hiệu uy tín như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Phương Nam, Nhã Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông Trạm đọc (Read Station), Công ty Cổ phần Phân phối và Phát hành sách miền Trung... đã mang đến cho công chúng nhiều lựa chọn phong phú, từ sách thiếu nhi, sách kỹ năng, sách lịch sử, văn học cho đến những đầu sách chuyên khảo giá trị.
Đáng chú ý, Chương trình trải nghiệm khoa học STEM Robotics đã trở thành điểm nhấn khi tạo nên một sân chơi bổ ích cho học sinh khám phá thế giới robot, công nghệ và học hỏi các kỹ năng STEM. Hoạt động này không chỉ kích thích tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn tăng cường khả năng làm việc nhóm – những yếu tố cần thiết cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số.
Song hành cùng đó, 3 hội thi lớn đã thu hút sự tham gia sôi nổi của hàng trăm thí sinh: Hội thi Xếp sách nghệ thuật, Hội thi Hóa trang nhân vật trong sách – truyện và Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách. Thông qua các phần thi, học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã thể hiện tài năng, sự sáng tạo và tình yêu sách mãnh liệt.

Hội thi Xếp sách nghệ thuật với chủ đề “Đà Nẵng – Thành phố tôi yêu” đã ghi dấu với 7 mô hình ấn tượng từ 7 quận, huyện đoàn. Kết quả, Quận đoàn Liên Chiểu giành giải Xuất sắc; Ban Tổ chức cũng trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba.
Tại Hội thi Hóa trang nhân vật trong sách – truyện, các em học sinh tiểu học và THCS hóa thân xuất sắc thành các nhân vật lịch sử như Hoàng hậu Nam Phương, Tô Vĩnh Diện, Trần Quốc Toản... với 16 tiết mục dự thi. Trường Tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) xuất sắc giành giải cao nhất; ngoài ra, có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì và 8 giải Ba được trao cho các tiết mục xuất sắc khác.
Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách ghi nhận sự góp mặt của 30 đội thi đến từ các trường THPT, CĐ, ĐH toàn thành phố. 2 giải Xuất sắc thuộc về Phạm Minh Thư (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và Lê Thị Kiều Diễm (THPT Phan Châu Trinh), cùng với 5 giải Nhất, 5 giải Nhì, 8 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.
Ghi nhận nỗ lực và thành tích xuất sắc trong các hoạt động, Ban Tổ chức đã trao tổng cộng 49 giải thưởng với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng, như một sự động viên thiết thực, kịp thời đối với các cá nhân, tập thể tham gia.

Bên cạnh các hoạt động chuyên đề, không khí nghệ thuật cũng tràn ngập ngày hội thông qua những đêm thơ – nhạc, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ đầy sắc màu.
Những màn trình diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn thành phố đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng và du khách.
Khép lại Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2025, những giá trị mà sự kiện mang lại không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh vai trò của sách mà còn là nhịp cầu gắn kết các thế hệ, là sợi dây kết nối con người với tri thức và cộng đồng.
Thông qua chuỗi hoạt động thiết thực, ngày hội đã thắp lên niềm đam mê đọc sách, đặc biệt trong thế hệ trẻ; thúc đẩy phong trào đọc sách trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.