Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh “lên dây cót” để đứng vững

Trang Nhi 28/04/2025 - 07:46

Các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cần "lên dây cót" khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tăng trưởng chậm, cùng những thay đổi quá nhanh ở người tiêu dùng.

Mới đây, khi chia sẻ với giới doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Vietnam, nhận định mặc dù thị trường FMCG phục hồi nhẹ trong thời gian đầu của năm 2025 nhưng thách thức hiện tại là rất lớn.

nganh-hang-tieu-dung-nhanh.jpg
Ảnh minh họa

Trên thực tế, ngành hàng FMCG đã tăng trưởng chậm lại trong 3 năm trở lại đây.

Nguyên nhân là do niềm tin người tiêu dùng chưa phục hồi tốt. Nhất là trong bối cảnh người lao động bị mất việc, cùng những thông tin bất lợi từ kinh tế thế giới có thể tác động đến niềm tin người tiêu dùng trong nước.

Đó là chưa kể tâm lý lo lắng của người tiêu dùng khi giá cả “nhảy múa”, sẽ cân đo đong đếm, so sánh giá nhiều hơn.

Thực tế cho thấy người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên cho việc chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu chứ không hẳn là mặt hàng FMCG và họ vẫn lo lắng về lạm phát trong tương lai.

Một số cuộc khảo sát cũng thể hiện là người tiêu dùng sẵn sàng trung thành với các thương hiệu mà họ tin tưởng, cũng như tầm quan trọng của thương hiệu mạnh trong ngành hàng FMCG.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, căng thẳng thương mại có thể làm gia tăng thêm áp lực cạnh tranh gay gắt cho các DN nội địa có quy mô nhỏ và vừa trong ngành FMCG ngay tại thị trường “sân nhà”. Những áp lực này cộng hưởng những thách thức vốn có trên thị trường hiện nay sẽ làm cho sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt, buộc họ phải ứng phó và biết cách ứng phó kịp thời.

Khi người tiêu dùng thay đổi về nhận thức, hành vi nhanh và phức tạp hơn, tạo ra áp lực cho DN phải tiên đoán và thích nghi kịp thời hơn. Khi khách hàng trong chuỗi giá trị thay đổi, đa dạng sự lựa chọn, đặt ra yêu cầu cho DN phải thích ứng để nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị.

Trước những áp lực lớn như kể trên đang buộc các DN nội địa trong ngành FMCG phải tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ. Nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, nhanh hơn và khó đoán hơn, ngay cả việc DN đổi mới thương hiệu dù vẫn cần thiết nhưng không còn đủ nhanh, đủ linh hoạt để phản ứng với nhịp thay đổi chóng mặt của thị trường FMCG.

Để giải một phần bài toán đầy khó khăn này, giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN ngành hàng FMCG là nên am hiểu và thích ứng với biến đổi của thị trường, cũng như có sự sáng tạo thương mại tại điểm mua.

Theo đó, các DN nội địa cần thiết kế sáng tạo thương mại cho từng điểm bán, chọn “địa bàn thử nghiệm” sao cho an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, không chỉ là khuyến mãi hay trưng bày, việc đổi cách tiếp cận người mua ngay tại nơi ra quyết định là điểm bán cũng rất quan trọng.

Hơn thế nữa, để đạt lợi thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà ngay cả ở thị trường quốc tế, theo Phó giáo sư Abel D. Alonso, chuyên gia kinh doanh quốc tế, các DN Việt nên áp dụng mô hình VRIN, bao gồm: Nguồn lực có giá trị (Valuable), khan hiếm (Rare), khó bắt chước y hệt (Imperfectly imitable) và không thể thay thế (Non-substitutable).

Ông Alonso dẫn chứng trường hợp của một DN sản xuất gia vị (thuộc ngành hàng FMCG) ở Việt Nam là DACE bằng việc củng cố sự phù hợp với mô hình VRIN, từ việc đạt các chứng nhận quốc tế đến sản xuất các mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, DN này đã khẳng định được năng lực cạnh tranh tại nhiều thị trường có giá trị cao.

Đây là lúc mà các DN nội địa trong ngành hàng FMCG cần “lên dây cót”, và chính những áp lực từ mối lo lắng của người tiêu dùng, thị trường tăng trưởng chậm và thay đổi nhanh, cộng với cạnh tranh khốc liệt, đang thúc giục họ phải có những thay đổi mạnh mẽ nếu không muốn bị đào thải.

Trang Nhi