Bổ sung quy định Tòa án quyết định việc hoãn thi hành án tử hình trong 2 năm
Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Tòa án quyết định việc hoãn thi hành án trong thời hạn 2 năm khi có căn cứ... Chánh án TANDTC chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSNDTC quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Giải quyết vấn đề cấp bách liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt
Trình bày Tờ trình, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc xây dựng dự án luật lần này xác định là sửa đổi, bổ sung một số điều về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cùng với đó thể chế hóa kịp thời Kết luận của Bộ Chính trị, yêu cầu của cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt
Dự thảo sửa đổi, bổ sung 105 điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng không tổ chức cơ quan cấp huyện, liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan có liên quan khác.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Cơ quan điều tra từ mô hình 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh). Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc sắp xếp, điều chỉnh về tên gọi và bộ máy của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư).
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy TAND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định về điều tra, truy tố vắng mặt (khoản 2 Điều 233, khoản 2 Điều 3 BLTTHS) theo hướng: Cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can/Viện kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật này trong các trường hợp sau: Bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra hoặc phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
Đồng thời, giao Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án TANDTC quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định này.
Về thủ tục xem xét bản án tử hình (Điều 367 BLTTHS) trước khi thi hành sửa đổi theo hướng: bổ sung thời hạn xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án tử hình, bổ sung trình tự, thủ tục sau khi có hoặc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước.

Đặc biệt, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Tòa án quyết định việc hoãn thi hành án trong thời hạn 2 năm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự. Chánh án TANDTC chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSNDTC được giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều này.
Không để luật ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt, thời gian qua xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, song BLTTHS hiện hành mới chỉ cho phép xét xử vắng mặt, chưa cho phép kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định truy tố bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn”.
Theo ông Tùng, việc truy nã không có kết quả hoặc bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập về nước để phục vụ hoạt tố tụng dẫn đến phải tạm đình chỉ vụ án, ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án cũng như thu hồi tài sản. Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định Cơ quan điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát quyết định việc truy tố bị can trong 2 trường hợp nêu trên là phù hợp.

Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, cơ quan thẩm cơ bản tán thành với dự thảo luật, đồng thời đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, đồng thời bám sát việc xây dựng dự án Bộ luật Hình sự cũng đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bảo đảm nguyên tắc nhân quyền theo Hiến pháp
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị xây dựng dự án Luật này nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành, như quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại; căn cứ tạm đình chỉ vụ án do thiên tai, dịch bệnh hay các vấn đề liên quan đến quyền của bị can, bị cáo. Đồng thời, dự án Luật cũng hướng đến tăng cường trách nhiệm của cơ quan tố tụng, như vai trò của công an xã trong xác minh, tố giác tội phạm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu, những nội dung nào có thể tiếp thu thì bổ sung quy định trong dự thảo Luật; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân; các quy định về quyền của bị can, bị cáo như quyền im lặng, quyền đọc và ghi chép tài liệu vụ án hoặc quyền được cung cấp thông tin vụ án cần được làm rõ.
“Vừa bảo đảm nguyên tắc nhân quyền theo Hiến pháp vừa không làm cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo và yêu cầu nghiên cứu, rà soát nhất là xử lý về kỹ thuật lập pháp; bảo đảm “tuổi thọ” của luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; tiếp tục rà soát để bám sát việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các luật về lĩnh vực tư pháp, mặt trận, đề án của Tòa án nhân dân tối cao.
Dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.