Đời sống

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi của người lao động sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Đỗ Việt 01/05/2025 06:02

Với tinh thần “làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng”, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/20/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2025. Chính sách này đề cao tính nhân văn và được xã hội đồng tình ủng hộ bởi góp phần giải tỏa tâm tư, động viên các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về số lượng nhân sự bị ảnh hưởng do sắp xếp, tinh gọn bộ máy, song số lượng cán bộ, người lao động dôi dư chắc chắn sẽ rất lớn.

anh-2.png
Người lao động được hưởng nhiều chính sách ưu việt trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, theo ước tính sơ bộ đã có hơn 11.000 nhân sự dôi dư khi địa phương này thông qua phương án sáp nhập 273 phường, xã, thị trấn còn 78 phường và xã, tương ứng với tỷ lệ giảm 62,6%. Con số này được thông báo công khai tại Hội nghị Thành ủy lần 39, khóa XI TP.HCM diễn ra mới đây.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã tác động không nhỏ tới tâm lý và quyền lợi của nhiều cán bộ, trong đó người lao động là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, mất đi công việc, phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức phía trước. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một trong những vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm.

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ thích ứng với sự thay đổi, các cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương đã nỗ lực xây dựng các chính sách hợp lý hỗ trợ người lao động, giảm bớt khó khăn, bớt gánh nặng để ổn định cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng các chế độ, chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời. Tinh thần của chính sách là “làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng”. Vì vậy chính sách lần này đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống sau sắp xếp được các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đồng tình ủng hộ. Qua đó góp phần giải tỏa tâm tư, động viên được đối tượng chịu sự tác động trực tiếp nghỉ việc, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nơi sáp nhập, hợp nhất, tạo thuận lợi cho việc bố trí cán bộ theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Giảm bớt khó khăn tài chính trong giai đoạn tìm việc làm mới

Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày 31/12/20, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có hiệu lực từ 1/1/2025.
Nghị định này quy định chính sách, chế độ, gồm: Chính sách đối với người nghỉ việc (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); trách nhiệm thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội từ trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã…

Riêng với người lao động được quy định rõ tại Điều 10 Nghị định 178/20/NĐ-CP. Cụ thể, người lao động có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7, Điều 7a, Điều 7b Nghị định 178, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng trợ cấp thôi việc. Trong đó, với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc. Với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Ngoài ra, người lao động còn được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 178, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chịu ảnh hưởng do việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178 được đánh giá là rất thiết thực, nhân văn bảo đảm được quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy giúp họ giảm bớt khó khăn về tài chính trong giai đoạn tìm kiếm việc làm mới.

Đỗ Việt