Chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Kim Sáng - Diệu Hiền 06/05/2025 10:

Sáng 6/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 chính thức khai mạc ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Chủ tịch nước Lương Cường dự và phát biểu.

Tham dự Lễ khai mạc còn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Mai Văn Chính; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Dân tộc - Tôn giáo Đào Ngọc Dung...

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo quý vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới, cùng quý vị đại biểu, đồng bào, Tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước về tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

z6572836270531_4eaf300ec6563e797d0ca5c499ef41f3.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn - sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: từ bi, trí tuệ và hòa bình.

"Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề Đại Lễ Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững", Chủ tịch nước nói và cho rằng đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.

z6572836761782_1393614e95af425f029497b86723e814.jpg
Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Theo Chủ tịch nước, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Với vai trò là nước chủ nhà, chúng tôi mong và tin Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của Đại lễ; đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam...", Chủ tịch nước bày tỏ.

z6572837078638_8dc7d92c7a7eee9b46e48edae09ea051.jpg
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có sự tham dự của 2.700 đại biểu.

Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; đại diện cho tăng ni, phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế.

"Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, Phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển", Chủ tịch nước nói.

z6572836742552_a9b0e7cc092ec411c2b0f2f00ae287ac.jpg
Các đại biểu đến tham dự khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra từ ngày 6 - 8/5 với sự tham dự của 2.700 đại biểu; trong đó có 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đây là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng được Liên Hợp Quốc công nhận, nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu.

Đại lễ Vesak 2025 do Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức.

Đây là lần thứ 4 Việt Nam tổ chức sự kiện trọng đại này, sau thành công trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (TP Hà Nội) năm 2008, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2014, tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) năm 2019.

z6572836744719_e4cd4284fee204334babfb6cbf888c32.jpg
z6572836745761_18141ec109b429a4f2201aee5796.jpg
z6572837078638_8dc7d92c7a7eee9b46e48edae09ea051(1).jpg
z6572836726441_8cccfc5e27658df8d761e498c701b0.jpg
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Bên cạnh chủ đề chính, Đại lễ Phật đản Vesak 2025 có 5 chủ đề phụ, gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: con đường hòa giải; từ bi Phật giáo trong hành động: trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Trước đó, trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025 đã diễn ra nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa, nghệ thuật như: Chiêm bái xá lợi Đức Phật – Quốc bảo Ấn Độ; Khai mạc Lễ hội văn hóa Phật giáo; Triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam với chủ đề "Nơi nghệ thuật và tâm linh hội tụ"; Lễ thượng kỳ lá cờ Phật giáo có kích thước 500m² trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM - cơ sở II...

Kim Sáng - Diệu Hiền