Miễn trách nhiệm dân sự đối với dự án nghiên cứu không đạt kết quả
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Luật, dự án nghiên cứu không đạt kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước…

Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Luật được ban hành với mục đích tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Theo Phó Thủ tướng, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế, xã hội.
Đáng chú ý, dự thảo luật giao nhiều quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.

Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.
Luật quy định, dự án nghiên cứu không đạt kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Luật cũng quy định, những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, những quy định này tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. "Việc chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng".
Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng.
Đáng chú ý, luật quy định, người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.