Miễn trách nhiệm hình sự với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Điều 21 dự thảo luật quy định, tổ chức, cá nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Luật hoá được loại trừ các trách nhiệm
Đáng chú ý, Điều 21 về Nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, dự thảo luật quy định: Cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm được loại trừ các trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm trừ trường hợp đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro đối với quá trình thử nghiệm nhưng không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra, cụ thể:
Không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm; Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; Không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm được loại trừ các trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nguy cơ rủi ro phát sinh trong quá trình thử nghiệm và áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra, cụ thể:
Không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thử nghiệm; Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; Không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ sau khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự theo quy định tại điểm a khoản này.
Việc xem xét trách nhiệm của các đối tượng nêu trên gắn với nguyên tắc trong quá trình thử nghiệm, nếu chứng minh được thiệt hại, rủi ro xảy ra là do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Vì sao quy định "không phải chịu trách nhiệm"?
Trình bày tờ trình luật này trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số.
Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới.”
Ngày 22/12/20, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cụ thể: Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH,CN,ĐMST&CĐS);

Ngoài ra, Nghị quyết số 193/2025/QH ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia đã quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KH&CN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
"Các chính sách nêu trên nhằm giải quyết những vướng mắc đã rõ, có thể thi hành được ngay. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế đầy đủ và có hệ thống trong Luật KH,CN&ĐMST”.
Đồng thời, quán triệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Giải trình thêm về quy định giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu trong đó có điều 21, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi.
Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.
Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới.
"Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng. Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với Bộ luật Hình sự, chỉ loại trừ trách nhiệm khi tuân thủ đúng quy trình và biện pháp phòng ngừa, cần làm rõ khái niệm "đã biết hoặc buộc phải biết về rủi ro" để bảo đảm thống nhất trong triển khai thực hiện, xác định loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm.
Đồng thời, ông Huy đề nghị bổ sung quy định để bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong suốt quá trình thử nghiệm và sau khi thử nghiệm kết thúc.