Bất động sản

TP. Huế điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây lên gần 1.200ha

Ngọc Minh 08/05/2025 - 10:13

Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Huế đã chính thức thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc), mở đường cho định hướng phát triển khu vực cảng biển chiến lược này theo các tiêu chuẩn hiện đại và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia.

Trước đó, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) thông qua tại Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3121/QĐ-UBND ngày 23/12/2022.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã xuất hiện nhiều yếu tố mới từ các định hướng phát triển cấp quốc gia liên quan đến khu vực này, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời và đồng bộ.

z6575883323586_a17d35099b0b3b136bd206bb5c4c044f.jpg
TP. Huế điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây lên gần 1.200ha

Cụ thể, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg. Tiếp đó, ngày 26/12/20, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 1657/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045 với tỷ lệ 1/10.000.

Theo các quyết định này, cảng Chân Mây được xác định là đầu mối quan trọng trong hệ thống cảng biển khu vực miền Trung và được định hướng mở rộng cả về quy mô lẫn công năng sử dụng. Cảng sẽ có khả năng tiếp nhận các loại tàu có tải trọng lớn như tàu tổng hợp, hàng rời từ 0.000 đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn; tàu container sức chở đến 4.000 TEU; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT và tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 0.000 tấn.

Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô tiếp nhận tàu lớn, quy hoạch mới còn chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng phụ trợ như luồng hàng hải, đê chắn sóng, hệ thống logistics, và đặc biệt là mô hình cảng tổng hợp có thể đáp ứng đa dạng loại hình hàng hóa và khách du lịch quốc tế.

Một điểm đáng chú ý là việc mở rộng không gian phát triển cảng về phía tây khu bến hiện hữu. Quy mô diện tích quy hoạch được điều chỉnh từ khoảng 702 ha theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND lên thành khoảng 1.160 ha, tăng thêm khoảng 458 ha. Phạm vi quy hoạch mới bao gồm cả phần đất và mặt nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch đồng bộ các hạng mục cảng biển, bến bãi, kho hàng và các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan.

Về tính chất, cảng Chân Mây sau điều chỉnh được xác định là cảng tổng hợp đa chức năng, gồm cả các bến container, bến hàng rời, hàng lỏng/khí và bến chuyên dùng cho tàu khách du lịch quốc tế. Đây sẽ là cửa ngõ giao thông đường biển quan trọng của TP. Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng vai trò trung chuyển hàng hóa quốc tế, phục vụ liên vùng và đặc biệt là tiếp chuyển hàng hóa cho thị trường Lào và khu vực đông bắc Thái Lan.

Việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây là bước đi cần thiết nhằm hiện thực hóa các định hướng phát triển quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong lĩnh vực logistics và cảng biển. Đồng thời, việc mở rộng và hiện đại hóa cảng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Huế và cả khu vực miền Trung nói chung.

Ngọc Minh