“Hạ màn” đường dây lừa đảo quốc tế núp bóng đầu tư chứng khoán
Nhiều người lao đao trong cuộc chơi đầy mạo hiểm từ sàn giao dịch ảo Soho Markets, những kẻ lừa đảo đã bị pháp luật trừng trị nhưng đây cũng chính là lời cảnh tỉnh về những cạm bẫy trong thế giới đầu tư ảo, nơi niềm tin bị lợi dụng một cách tinh vi.
Từ văn phòng bất hợp pháp đến sàn giao dịch ảo
Từ năm 2018 đến tháng 10/20, một đường dây lừa đảo tinh vi với quy mô liên tỉnh, xuyên quốc gia do Phó Đức Nam (SN 1994, trú tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu cùng Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã móc nối với một đối tượng tên Uran (không rõ lai lịch) để đưa hơn 20 sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, trong đó có Soho Markets, về Việt Nam hoạt động trái phép dưới hình thức đầu tư tài chính.
Mục đích thực chất là nhằm chiếm đoạt tài sản từ hàng nghìn người bị hại trên cả nước thông qua hình thức đầu tư vào các mã chứng khoán, kim loại, tiền tệ và giao dịch tỷ giá.

Để thực hiện hành vi, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ tổ chức bài bản với việc thuê khoảng 40 văn phòng tại các tỉnh, thành lớn gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác. Chỉ riêng tại TP. Đà Nẵng, từ năm 2023 đến tháng 10/20 đã có tới 6 văn phòng của nhóm này hoạt động.
Lực lượng nhân sự mà đường dây này huy động lên tới khoảng 1.000 người, bao gồm cả trong và ngoài nước. Các nhân viên này được đào tạo để tiếp cận, dụ dỗ người bị hại tham gia đầu tư, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận cao.
Phó Đức Nam giữ vai trò chủ mưu, đồng thời phân công Lê Khắc Ngọ phụ trách toàn bộ hoạt động nhân sự và điều hành các văn phòng tại Việt Nam. Hệ thống quản lý trung gian được thiết lập theo mô hình chuỗi, với nhiều quản lý cấp dưới phụ trách từng địa phương, từng sàn.
Đặc biệt, Trịnh Văn Thái (SN 1986, trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) và Phùng Văn Quyết (SN 1993, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) trực tiếp điều hành hoạt động tại sàn Soho Markets đặt tại tòa nhà chợ siêu thị Nguyễn Kim, số 46 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
Đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam hoạt động dưới lớp vỏ đầu tư chuyên nghiệp. Các nhân viên được đào tạo bài bản để học thuộc các mã cổ phiếu, thuật ngữ tài chính thật, từ đó tạo lòng tin cho người bị hại. Sau khi tiếp cận, họ được đưa vào các nhóm mạng xã hội như Zalo, Telegram, nơi các thành viên công ty vào vai nhà đầu tư, chia sẻ các hình ảnh "lệnh chuyển tiền đầu tư thành công" đã được làm giả bằng photoshop. Những hình ảnh này được lan truyền trong nhóm để tạo niềm tin giả tạo về sự an toàn và lợi nhuận cao của hoạt động đầu tư.
Khi nạn nhân đồng ý tham gia, các nhân viên sẽ hướng dẫn tạo tài khoản trên nền tảng Meta Trader 4, kết nối với máy chủ sàn Soho Markets và nạp tiền. Ban đầu, để tạo lòng tin, nạn nhân được phép rút một khoản tiền nhỏ như một hình thức "rút lời", song sau đó các đối tượng sẽ hướng dẫn nhập các lệnh đầu tư khiến tài khoản hiển thị số âm. Muốn chốt lãi, người đầu tư buộc phải tiếp tục nạp tiền vào. Nếu không làm theo, sàn sẽ gia tăng phí qua đêm, thậm chí khóa tài khoản.
Sự thật đằng sau màn kịch đầu tư sinh lời
Anh Nguyễn Trọng Khải (SN 1981, trú huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong số nạn nhân của màn kịch sinh lời của Soho Markets. Tháng 9/2023, anh Khải được Phùng Văn Quyết, làm việc tại Công ty TNHH ZAVU, tiếp cận và mời chào đầu tư vào sàn Soho Markets.
Anh Khải được mời vào nhóm Zalo tên "16.LK GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ", do Quyết lập, cùng nhiều đồng phạm đóng giả làm nhà đầu tư để củng cố lòng tin. Quyết sử dụng tài khoản Zalo tên "Quang Huy" và chỉ đạo nhân viên tạo các bill chuyển tiền giả, rồi lan truyền trong nhóm để tạo niềm tin giả tạo rằng nhiều người đang đầu tư thành công nhờ sự hỗ trợ từ Quyết.

Ngày 30/10/2023, tin vào lời hứa hẹn sẽ nhận được 1.000 USD lợi nhuận nếu đầu tư 1.000 cổ phiếu Pfizer, anh Khải chuyển khoản 2.000 USD, tương đương 49.450.000 đồng. Sau đó, anh được rút về khoản tiền 48.710.000 đồng, Quyết nói khoản chênh lệch là do phí quy đổi. Sau lần rút tiền suôn sẻ đó, anh Khải tiếp tục nạp thêm tiền nhưng lần này toàn bộ số tiền đã bị mất trắng theo đúng kịch bản các đối tượng dàn dựng.
Không chỉ lừa đảo bằng hình thức kỹ thuật số, các đối tượng còn xây dựng một hệ thống tài chính ngầm tinh vi nhằm rửa tiền và che mắt cơ quan chức năng. Các tài khoản ngân hàng sử dụng đều là tài khoản mua lại đứng tên các công ty "ma". Nguồn tiền sau khi được nạn nhân chuyển vào sẽ được chuyển tiếp qua các nền tảng trung gian như 9Pay, Apota, Ngân Lượng, Pig Pay, sau đó rửa tiếp qua các tiệm vàng. Thậm chí, nhóm này còn có một nhóm Telegram riêng tên “Peter” chuyên để liên lạc với các tiệm vàng nhằm quy đổi thành Đô la Mỹ, hoặc vàng rồi đưa về tay Nam và Ngọ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Sau khi chia hoa hồng 50% cho Uran, phần còn lại Nam và Ngọ chia nhau, trừ các khoản chi phí vận hành văn phòng, lương nhân viên. Phùng Văn Quyết được hưởng khoảng 1- 3% trên tổng số tiền người bị hại nạp vào sàn Soho Markets, còn Trịnh Văn Thái nhận từ 1-2% trên tổng số tiền từ các nạn nhân tại TP. Đà Nẵng. Những khoản hoa hồng này đủ lớn để tạo động lực khiến hệ thống hoạt động trơn tru như một doanh nghiệp thật sự.
Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra đã thu giữ được số tiền hơn 4 tỷ đồng. Quyết đã bồi thường cho anh Khải số tiền 100 triệu đồng. Trong vụ án này, Quyết phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, phạm tội nhiều lần. Tại tòa, Quyết thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải.
HĐXX TAND TP. Đà Nẵng nhận định, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ở mức độ thiệt hại tài sản mà còn thể hiện sự tinh vi, có tổ chức, mang tính chất xuyên quốc gia. Các đối tượng đã cố gắng che mắt cơ quan chức năng bằng cách hoạt động xuyên quốc gia và sử dụng các phương thức giao dịch phức tạp, nhằm trốn tránh sự phát hiện.
Với hành vi trên, trong phiên xét xử ngày 8/5, TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt Phùng Văn Quyết mức án 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa không chỉ là một bài học cho các đối tượng lừa đảo, mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai có ý định tham gia vào các hoạt động đầu tư thiếu minh bạch. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, các vụ lừa đảo qua mạng ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận diện hơn bao giờ hết. Câu chuyện của anh Khải và những nạn nhân khác trong vụ án này là một ví dụ điển hình về sự tổn thất mà các nạn nhân phải gánh chịu khi không cảnh giác trong các quyết định đầu tư tài chính.